Bộ Công Thương sắp rà soát công tác cán bộ tại tổng công ty, công ty trực thuộc

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020.
4 Tập đoàn phải có lộ trình thoái vốn trước 20/5.

4 Tập đoàn phải có lộ trình thoái vốn trước 20/5

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2017 - 2020 bảo đảm hiệu quả và tiến độ theo yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2017 theo thẩm quyền hoặc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, đề xuất việc kiện toàn công tác cán bộ các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ, báo cáo Bộ trưởng những vấn đề phát sinh cần giải quyết, xử lý

Đối với 4 Tập đoàn phải trình đề án tái cơ cấu (gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), yêu cầu phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để khẩn trương hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 20/5/2017.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên theo đúng kế hoạch và tiến độ đã được phê duyệt.

Đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, tồn đọng tài chính kéo dài, không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hoá phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của Nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả, hiệu quả thấp; có cơ chế kiểm soát phù hợp trong việc mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp, tránh lợi ích nhóm, thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Rà soát cán bộ, đẩy nhanh chuyển giao về SCIC

Bộ trưởng cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, đề xuất việc kiện toàn công tác cán bộ các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ, báo cáo Bộ trưởng những vấn đề phát sinh cần giải quyết, xử lý.

Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu thực hiện rà soát các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể bán phần vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.

Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, đến nay, Bộ Công Thương đã bàn giao vốn nhà nước của 4 doanh nghiệp về SCIC, bao gồm: Công ty Cổ phần điện máy và kỹ thuật công nghệ ; Công ty Cổ phần du lịch và xúc tiến thương mại; Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam; Công ty Cổ phần nhựa Việt Nam.

Trước đó, tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã họp với SCIC nhằm chuyển giao triệt để vốn một số đơn vị về SCIC. Cụ thể, 6 doanh nghiệp đang được bộ thống nhất với chuyển giao vốn nhà nước, gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tổng công ty Thép Việt Nam; Công ty Cổ phần xây dựng và XNK tổng hợp; Công ty Xây lắp và vật liệu xây dựng; Công ty Cổ phần giao nhận vận tải Viễn Dương; Công ty Cổ phần nông thổ sản Việt Nam.

Theo Dân Trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục