Bộ Công thương muốn "ôm" các DN lớn

(ĐTCK) Quản lý vốn nhà nước tại các DN lớn sau cổ phần hóa (CPH) có thể tạo ra nhiều quyền lợi. Có lẻ vì lý do đó mà nhiều, bộ, ngành, đơn cử Bộ Công thương chỉ muốn bàn giao vốn nhà nước tại các DN nhỏ.
Bộ Công thương muốn "ôm" các DN lớn

Ông Đào Văn Hải, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương

 

Về tiến trình CPH của các công ty thuộc Bộ Công nghiệp trong danh sách CPH năm nay, kế hoạch CPH của Bộ Công thương năm 2012 cũng như giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Theo kế hoạch này, Bộ Công thương còn 3 tổng công ty đang tiến hành thực hiện CPH. Thứ nhất là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam sẽ thực hiện CPH xong trong năm 2012. Thứ hai là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp sẽ CPH trong giai đoạn 2012 - 2014, trong đó năm 2012 sẽ CPH các đơn vị thành viên như Công ty TNHH một thành viên Caric, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Duyên hải, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật..., Tổng công ty mẹ sẽ CPH năm 2014. Tổng công ty Máy động lực và máy công nghiệp sẽ tiến hành CPH trong giai đoạn 2012 - 2014.

Đối với 8 công ty trực thuộc Bộ còn lại, năm 2012 sẽ CPH 5 đơn vị gồm: Công ty TNHH một thành viên Điện máy, Công ty TNHH một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng 5, Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư. Riêng Công ty TNHH một thành viên Giao nhận kho vận ngoại thương Vietrans đã có quyết định CPH và sẽ CPH xong trong tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.

Còn lại 3 công ty sẽ CPH vào năm 2013 gồm: Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm Đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại, Công ty TNHH một thành viên Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Liên quan đến việc Tổng công ty Thép Việt Nam, Sabeco, Habeco đã CPH từ lâu, nhưng việc quản lý vốn nhà nước vẫn chưa rõ ràng giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Bộ Công thương, vừa qua, Thủ tướng có hỏi ý kiến Bộ Công thương. Quan điểm của Bộ Công thương là các tổng công ty này dù đã CPH, nhưng phần vốn Nhà nước rất lớn từ 75 - 90%, vì vậy vai trò của các tổng công ty đó đối với hoạt động của ngành công thương rất quan trọng. Do đó, Bộ Công thương đề nghị, trước mắt chuyển giao các công ty nhỏ đã CPH về SCIC trước, còn các tổng công ty lớn sẽ chuyển giao sau, trong một vài năm tới.

Ông Hà Quang Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương

 

Để chuẩn bị cho CPH của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Bộ Công thương đã có Quyết định 51/QĐ-BCT ngày 7/10/2011, sau đó thành lập Ban chỉ đạo CPH và Tổ giúp việc CPH. Để chuẩn bị các bước tiếp theo, Vinatex đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc xác định hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị DN. Theo đó, Vinatex đề nghị xin phép đấu thầu hạn chế, do tư vấn về CPH của Tập đoàn là lĩnh vực hẹp. Thời điểm đấu thầu thì còn chờ ý kiến của Thủ tướng xem có cho phép thực hiện hình thức đấu thầu hạn chế hay không. Sau khi Thủ tướng có quyết định sẽ tổ chức đấu thầu.

Có 5 đầu mối được tham gia đấu thầu hạn chế theo tờ trình của Vinatex. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Vụ Công nghiệp nhẹ sẽ có thông báo.

Bùi Trang thực hiện
Bùi Trang thực hiện

Tin cùng chuyên mục