Cùng với đó là việc cho phép EVN chỉ định tư vấn để rà soát, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, bao gồm cả đề xuất các cơ chế đặc thù thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Kiến nghị khác của Bộ Công thương là báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký kết điều chỉnh Hiệp định, thỏa thuận với các quốc gia, đối tác thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Trước đó, tại Báo cáo triển khai kế hoạch năm 2025, EVN cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong quá khứ, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy được xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, đều thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tổng công suất của 2 nhà máy này là khoảng 4.000 MW.
Để triển khai dự án, ngày 18/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 460/TTg-KTN về kế hoạch tổng thể thực hiện dự án. Theo đó, Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 công suất khoảng 2.000 MW gồm 2 tổ máy tại xã Phước Dinh, Thuận Nam; Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 công suất khoảng 2.000 MW gồm 2 tổ máy đặt tại xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận.
EVN cũng được giao là chủ đầu tư Dự án Hạ tầng phục vụ thi công các dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh thuận, Dự án Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân. Với Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy điện hạt nhân, EVN cũng được giao là chủ đầu tư và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
UBND tỉnh Ninh Thuận được giao là chủ đầu tư Dự án di dân tái định cư của các Dự án nhà máy điện hạt nhân.
EVN sau đó đã hợp tác với phía Nga (Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Các tư vấn đã hoàn thành khảo sát, lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và đã trình cơ quan có thẩm quyền.
EVN cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống cấp điện phục vụ thi công trong Dự án hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy điện hạt nhân; dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý cũng đã được phê duyệt dự án đầu tư và triển khai xây dựng một phần.
Dự án đầu tư Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân cũng đã được tư vấn khảo sát hoàn thành, lập dự án trình EVN.
Đối với dự án di dân tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệ với tổng mức đầu tư là 3.236 tỷ đồng thì cũng đã thực hiện được 1 phần. EVN đã ứng gần 95 tỷ cho UBND tỉnh Ninh Thuận để giải ngân cho dự án.
Tổng chi phí đầu tư chuẩn bị dự án đã thực hiện tới nay là khoảng 1.577 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2005-2010, EVN đã cử 30 kỹ sư điện hạt nhân đào tạo tại Nga và Pháp với kinh phí do EVN chi trả. Hiện có 27/30 người đang làm việc tại EVN và các đơn vị thành viên.
Việc đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 248 người với cam kết về làm việc cho EVN sau khi tốt nghiệp.
Trong giai đoạn 2012-2016, đã có 32 người được EVN cử đi đào tạo tại Nhật và hiện có 30 người làm việc cho EVN cùng các đơn vị thuộc EVN.