Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp hợp tác điều tra phòng vệ sản phẩm đường mía

0:00 / 0:00
0:00
Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Bộ Công thương đề nghị tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra.
Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hợp tác trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế đối với đường mía. Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hợp tác trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế đối với đường mía.

Nhằm phục vụ cho quá trình điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương vừa có thông báo gửi bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi điều tra là trước 17h00 ngày 1/12/2021.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Cơ quan điều tra đề nghị tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra.

Nội dung bản trả lời của các doanh nghiệp sẽ là căn cứ để Cơ quan điều tra xem xét và đưa ra kết luận điều tra của vụ việc.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra không nhận được thông tin trả lời đúng hạn của các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hoặc trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu thì Cơ quan điều tra sẽ sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương.

Cách thức trả lời các phần trong bản câu hỏi, số lượng phải nộp, hình thức nộp và thời hạn nộp được hướng dẫn chi tiết trong Bản câu hỏi. Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền đọc kỹ hướng dẫn trước khi trả lời và nộp bản trả lời đúng thời hạn.

Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ các nước Camphuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.

Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục