Liên quan đến việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, thông tin từ Bộ Công thương mới đây cho thấy, đến hết ngày 16/11/2023, đã có 43/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phản hồi theo yêu cầu của Thông báo số 453/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 7704/BCT-ĐL của Bộ Công Thương.
Có 20 địa phương chưa gửi thông tin, gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Đắk Nông, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP. Hải Phòng, Vĩnh Long, Yên Bái.
Qua nghiên cứu văn bản của các địa phương gửi về, Bộ Công Thương cũng nhận thấy còn một số vấn đề tồn tại.
Vấn đề nổi lên nhất hiện nay là Danh mục nguồn điện đề xuất của các địa phương quá lớn so với nhu cầu phát triển tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Cụ thể, các địa phương về cơ bản vẫn bảo lưu danh mục dự án theo các công văn cung cấp số liệu phục vụ lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trước đây, hầu hết không đáp ứng yêu cầu xây dựng danh mục dự án trong phạm vi lượng công suất nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ tính toán cho từng tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương như nêu tại Tờ trình số 7146/TTr-BCT ngày 12/10/2023 của Bộ Công Thương.
Số liệu thống kê của các địa phương đối với 4 loại nguồn điện năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ cho thấy nhiều câu chuyện cụ thể hơn.
Đó là 27 địa phương có tính toán điện gió trên bờ với công suất là 12.773 MW, nhưng lại đề xuất danh mục với tổng công suất 47.416 MW (gấp 3,7 lần). Cụ thể, Sóc Trăng đề xuất 2.113 MW trong khi tính toán chỉ có 1.613 MW, Kiên Giang có tỷ lệ tương ứng là 1.195/137 MW, tại Trà Vinh là 2.054/1.130 MW, tại Ninh Thuận là 1.600/1.227 MW, ở tỉnh Khánh Hòa là 621/102 MW, tỉnh Lâm Đồng 711/217 MW, tỉnh Phú Yên 3.064/442 MW, Gia Lai 13.038/1.842 MW, Kon Tum 3.279/154 MW, Quảng Trị 5.970/1.800 MW, Hà Tĩnh 1.150/700 MW, Sơn La 2.861/300 MW…
Với thủy điện nhỏ, công suất tính toán của 23 địa phương là 2.411 MW, nhưng đề xuất 4.025 MW (gấp 1,7 lần) như Tuyên Quang 82/180 MW, Lào Cai là 940/1.215,75 MW, Sơn La 797/1.254 MW, Phú Yên 95/133 MW, Lâm Đồng 416/568 MW, Quảng Nam 407/650 MW, Quảng Ngãi 459/612 MW.
Cũng có 27 địa phương tính toán điện sinh khối chỉ có 406 MW, nhưng đề xuất tới 1.805 MW (gấp 4,4 lần). Đơn cử như Tuyên Quang là 55/125 MW, Lào Cai 30/101 MW, Hòa Bình 30/100 MW, Thanh Hóa 10/120 MW, Hà Tĩnh 10/172 MW, Phú Yên 60/161 MW, Long An 23/60 MW…
Còn có 29 địa phương có công suất tính toán điện rác 655 MW, nhưng đề xuất 1.116 MW (gấp 1,7 lần), cụ thể như TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ là 123/340 MW, Đồng Nai 66/109 MW, Khánh Hòa 15/32 MW, Hòa Bình 13/150 MW.
Cũng có 5 địa phương, gồm: Điện Biên, Hải Dương, Ninh Bình, Bạc Liêu, Cà Mau cung cấp danh mục theo quy mô công suất tại Tờ trình 7146/TTr-BCT, tuy nhiên chưa đáp ứng hoàn toàn theo 9 tiêu chí nêu tại Văn bản 7704/BCT-ĐL (trong danh mục vẫn có những dự án chưa đáp ứng yêu cầu về sử dụng mặt đất, mặt nước).
Theo nhận xét của Bộ Công thương, một số địa phương còn lại (chiếm phần lớn) chưa đề xuất danh mục căn cứ theo 9 tiêu chí đã nêu tại Văn bản số 7704/BCT-ĐL và Thông báo số 453/TB-VPCP; đặc biệt thông tin liên quan pháp lý của các dự án đang triển khai/ đã giao chủ đầu tư còn chưa đầy đủ, chưa thể xác định tính đáp ứng, sự thực hiện đầy đủ nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, bản án.
Một số địa phương có ý kiến cần pháp lý hóa công suất tính toán cho địa phương để địa phương có cơ sở rà soát, đánh giá, lập danh mục; còn thiếu hướng dẫn, quy trình lựa chọn dự án.
Theo Bộ Công thương, trên thực tế, lượng công suất nguồn điện được yêu cầu lập danh mục (điện gió trên bờ, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn) chỉ chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện tăng thêm của hệ thống giai đoạn 2021- 2030.
Với tình hình các thông tin số liệu do địa phương cung cấp đến nay không đáp ứng được yêu cầu, Bộ Công Thương cũng dự kiến đề nghị cấp có thẩm quyền kéo dài thêm thời gian cho các địa phương để hoàn thiện đề xuất danh mục dự án theo yêu cầu.
Đồng thời phê duyệt làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, gồm danh mục các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng, ưu tiên (chiếm 75% tổng công suất nguồn tăng thêm, hầu như toàn bộ lưới truyền tải) và quy mô phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ đến cấp tỉnh.
Giai đoạn 2, gồm chi tiết danh mục dự án nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ và lưới điện đấu nối đồng bộ trên địa bàn các địa phương.
Cách thức này sẽ tạo điều kiện cho các dự án quan trọng ưu tiên có kế hoạch thực hiện ngay, giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.