Bộ Công thương cắt giảm thủ tục: Kỳ vọng không đầu voi đuôi chuột

(ĐTCK) Việc Bộ Công thương công bố quyết tâm rà soát cắt giảm và đơn giản hóa hơn 120 thủ tục hành chính trong năm 2017 đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia và doanh nghiệp, chủ trương này nếu được thực thi một cách nghiêm túc có thể coi là một cuộc cách mạng đột phá về thủ tục hành chính của bộ này. Lâu nay, Bộ Công thương nằm trong số bộ ngành bị cho là khá trì trệ trong việc cải cách các thủ tục hành chính.

Số liệu rà soát mới đây của Vụ Pháp chế, Bộ Công thương trên cơ sở tổng hợp các khó khăn vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị trong quá trình triển khai thực thi các thủ tục hành chính cho thấy, chỉ riêng việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện đã lên tới khoảng 40 văn bản ở các cấp thông tư, nghị định, quyết định của Thủ tướng và thông tư liên tịch trên khoảng 18 lĩnh vực.

Trước đó, Bộ Tài chính nhiều lần có kiến nghị và yêu cầu Bộ Công thương xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành thuộc phạm vi của bộ này với số lượng văn bản cần sửa đổi lên tới 12 văn bản, chỉ đứng sau Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đặc biệt, có những thủ tục kiểm tra chuyên ngành của bộ này đã trở thành cơn “ác mộng” đối với nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên như thủ tục kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu; thủ tục kiểm tra chất lượng phân bón…

Hàng loạt quy định về chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép, nhập khẩu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, điều kiện kinh doanh khí gas, thủ tục khai báo hóa chất, tiếp cận điện năng, dán nhãn năng lượng… cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Có những thủ tục kiểm tra chuyên ngành của  Bộ Công thương đã trở thành cơn “ác mộng” đối với nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên.

Đáng chú ý là những thủ tục hành chính rối rắm, phức tạp này mặc dù đã được các doanh nghiệp và chuyên gia luật kiến nghị đơn giản hóa, hoặc cắt giảm để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, song theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, hầu như vẫn chưa được tiếp thu sửa đổi một cách thực chất.

Theo bà Dung, đây cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp rất mong chờ quá trình thực thi được thực sự triệt để nhằm đảm bảo xóa bỏ khoảng cách từ chính sách tới thực thi, từ lời nói đến hành động để tháo gỡ khó khăn, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp.

Liên quan đến những nỗ lực cải cách và cắt giảm thủ tục hành chính gần đây của Bộ Công thương, ông Trần Hữu Linh, Chánh văn phòng Bộ cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các bộ ngành, doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Công thương đã tập trung rà soát và thực hiện việc sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa một số thủ tục đã được doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều lần, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng, đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất, sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chúng tôi vẫn mong chờ việc thực thi thực sự đúng với quyết tâm và nỗ lực đã được người đứng đầu ngành công thương tuyên bố

- ông Nguyễn Thanh Bình,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ gas Thanh Bình.

Đại diện Bộ Công thương cũng thừa nhận, với tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc diện quản lý của Bộ tại gần 20 lĩnh vực đa ngành thì việc sửa đổi này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế.

Do đó, tại Quyết định mới nhất do đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký ban hành, Bộ sẽ tiến hành rà soát để bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2017, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của bộ này nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận, trong đó có nhiều lĩnh vực là điểm nóng, điểm nghẽn gây khó khăn cho doanh nghiệp lâu nay.

Là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ sự nỗ lực cải cách này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ gas Thanh Bình cho rằng, việc cắt giảm các thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong chờ việc thực thi thực sự đúng với quyết tâm và nỗ lực đã được người đứng đầu ngành công thương tuyên bố”, ông Bình nhấn mạnh.     

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI

Việc Bộ Công thương cắt giảm và đơn giản hóa hàng loạt thủ tục  không có nghĩa là đơn giản hóa hay bỏ đi quản lý nhà nước mà chỉ là chuyển cách tiếp cận quản lý theo hướng tập trung vào hậu kiểm. Tuy nhiên, cần đảm bảo từ chính sách cho tới thực thi thống nhất và đồng bộ.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục