Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương vừa đưa cảnh báo về lừa đảo qua mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
2 nguy cơ chính mà người dùng sẽ phải đối mặt đó là mã độc giám sát, đánh cắp thông tin và lừa đảo trực tuyến biến thể.
Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo người dùng tuyệt đối không bấm vào liên kết lạ, nhất là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Mặt khác, người dùng cần kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải về máy và chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như App Store, Google Play hoặc website chính thức của nhà cung cấp sản phẩm.
Đặc biệt, hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản.
Theo đại diện Ecomviet, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tình trạng lừa đảo trên không gian mạng liên tiếp xuất hiện.
Thống kê cho thấy, tháng 1/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo. Lũy kế đến nay, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia lên tới con số gần 125.600 địa chỉ.
Trong 72 website mới được phát hiện có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức nhà nước và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
"Những website giả mạo kể trên được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị mạo danh", theo đại diện Ecomviet.
Lừa đảo trực tuyến gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam.
Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm 2024, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình để có cảnh báo sớm đến người dùng; qua đó góp phần ngăn chặn hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời cũng bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức mình...
Trong năm ngoái, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Trước tình trạng lừa đảo qua mạng gia tăng về số lượng và phức tạp, trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Theo đó, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp liên quan; kịp thời kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, quốc tế; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Còn Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong quản lý, nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.