Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng nay (27/5) Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Lần sửa đổi này, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.
Ngày 20/5, thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị vẫn giữ hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này, vì loại tội phạm này không chỉ xuất hiện ở khu vực công mà cả khu vực tư và vẫn đang diễn biến phức tạp.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cần thiết bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật và hành lang pháp lý trong đấu tranh với các loại tội phạm này.
Có ý kiến đại biểu đề nghị cần có tổng kết thực tiễn và lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành trước khi trình Quốc hội biểu quyết bỏ hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ.
Tại báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ, Bộ Công an giải thích, thực tiễn cho thấy, tội danh này đã được đa số các nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình.
Thực tiễn một số nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi.
Lý do đề xuất bỏ tử hình với hai tội danh này còn do, những tội này không phải là "tội ác”, không xâm phạm đến tính mạng con người, không xâm phạm trực tiếp đến và chủ thể đặc biệt là an ninh quốc gia, do vậy, không cần thiết phải tước bỏ mạng sống của họ. Đây cũng là xu thế chung của thế giới, hiện nay, đa số các quốc gia đều không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội không phải là "tội ác".
Cơ quan soạn thảo cũng khẳng định, việc không áp dụng hình phạt tử hình và thay bằng tù chung thân không xét giảm án vẫn bảo đảm tính răn đe vì hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, tước đi sự tự do vĩnh viễn của một con người.
Đồng thời, dự thảo Luật đã thiết kế quy định về việc người bị kết án nếu nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền đã gây thiệt hại thì có thể được xét giảm án xuống tù chung thân, như vậy, vẫn bảo đảm mục đích thu hồi tài sản bị xâm hại trong các vụ án tham ô, nhận hối lộ.
Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh, thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đề nghị vẫn giữ lại hình phạt tử hình, vì mức độ nguy hiểm rất cao, gây tổn hại tính mạng, sức khỏe cho cả cộng đồng. Đây là hành vi vô nhân đạo cần phải nghiêm khắc xử lý bằng áp dụng hình phạt tử hình để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, theo ý kiến đại biểu Quốc hội.
Bộ Công an cho biết, trên cơ sở Đề án liên quan đến tử hình mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với giải pháp trong Đề án là tiếp tục nghiên cứu thu hẹp hình phạt tử hình, trong đó, có việc nghiên cứu kỹ lưỡng để bỏ hình phạt đối với tội này.
Thực tiễn xét xử cho thấy, chủ yếu là giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh... rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình. Do vậy, trên thực tế chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này.
Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật cũng là lỗ hổng tạo điều kiện cho tội phạm này được thực hiện trên thực tế. Bởi vậy, thay vì áp dụng hình phạt tử hình để răn đe người phạm tội thì cần có các biện pháp khác để phòng ngừa như tăng cường quản lý nghiêm ngặt, tránh tình trạng do sự yếu kém, không quản lý được thì cấm hoặc phạt thật nặng. Bên cạnh đó, xét về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hành vi này không nguy hiểm cho xã hội như hành vi giết người hay khủng bố.
Nếu sử dụng độc tố để sản xuất thuốc giả nhằm giết người thì sẽ bị xử lý về tội giết người. Do đó, có thể xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này, Bộ Công an giải thích.