Chiều 2/4, Bộ Công an cho biết Bộ Chính trị vừa đồng ý thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Bộ đang hoàn thiện các phần việc liên quan Đề án trên", đại diện Bộ Công an nói.
Đề án xây dựng trên cơ sở không tổ chức cấp trung gian, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân. Các lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức lại, gắn với công an tỉnh, thành phố để phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.
Công an xã, thị trấn được xây dựng chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; tiến tới thực hiện thống nhất toàn quốc.
"Đề án sẽ bỏ cấp tổng cục. Cấp cục, đơn vị ngang cục sẽ giảm từ con số 126 xuống còn 52. Bộ cũng chỉ còn 4 học viện và hai đại học. Bộ máy công an tại các địa phương giữ nguyên...", một cán bộ tham gia góp ý Đề án cho biết.
Chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng không thay đổi; được tổ chức theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Việc sắp xếp nhân sự cấp Tổng cục khi đơn vị giải thể, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp.
Tháng 1/2018, dự thảo Đề án tinh giản biên chế được đưa ra lấy ý kiến trong toàn lực lượng. Cấp trưởng, phó phòng trực thuộc các đơn vị được tham gia góp ý xây dựng Đề án này.
Từ cuối năm 2016, để chuẩn bị cho Đề án, Bộ Công an đã chủ trương không tuyển mới cán bộ, chiến sĩ. Chỉ tiêu đào tạo vào các trường công an nhân dân, trong hai năm gần đây cũng giảm mạnh.
Bộ Công an có 6 tổng cục và hai Bộ tư lệnh trực gồm: Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp; hai Bộ Tư lệnh gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10); Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20). Trong các tổng cục này có hàng chục cục khác nhau, thậm chí có cục đang có tới 9 cục phó.