Hàng năm, mỗi cá nhân tại Đại lục được chuyển đổi đồng nhân dân tệ sang các đồng tiền quốc tế khác với giá trị tối đa 50.000 USD. Trong tháng tới, thời điểm bắt đầu năm mới 2017, chương trình này sẽ lại bắt đầu, tiềm ẩn khả năng đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, vốn đang trong đà tăng.
Nếu chỉ 1% trong số gần 1,4 tỷ người dân Trung Quốc chuyển đổi mức tối đa 50.000 USD được phép, dòng tiền đổ ra bên ngoài đã đạt khoảng 700 tỷ USD, nhiều hơn hẳn con số ước tính khoảng 620 tỷ USD đã rời khỏi Đại lục 10 tháng đầu năm nay, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.
Tầng lớp trung lưu và giàu có tại Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn việc đổi tiền sang các loại tiền tệ khác trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng thời tạo thêm áp lực khiến đồng tiền này mất giá hơn nữa. Chưa kể, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong phiên họp vào tháng 12 này, USD sẽ có thêm lực hút, khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường Đại lục trở nên mạnh hơn nữa.
Khi đó, ông Zhou sẽ ở trong tình thế được gọi là “bộ ba bất khả thi” (impossible trinity), một giả thuyết kinh tế đã đạt giải Nobel của nhà kinh tế học Robert Mundell.
Theo đó, một quốc gia không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm: chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn.
Chỉ có thể thực hiện đồng thời 2 trong 3 chính sách này mà thôi. Bên cạnh đó, thuật ngữ “bộ ba bất khả thi” còn dùng để chỉ tình thế nền kinh tế dễ đổ vỡ khi một quốc gia cố tình thi hành ba chính sách trên cùng lúc.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ ở trong tình thế được gọi là “bộ ba bất khả thi”
Thêm vào đó, việc ông Donald Trump, người thường lên tiếng chỉ trích chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tạo nên những ảnh hưởng bất lợi.
“Cách mà chính quyền Trung Quốc đối phó với tình hình hiện nay và cách mà bộ máy lãnh đạo mới của nước Mỹ phản ứng trước những chính sách mới của Trung Quốc là điều đáng để bận tâm với các thành viên thị trường tài chính. Trung Quốc cần phải tìm ra cách để giải quyết nhiệm vụ bất khả thi này”, Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của S&P Global cho biết.
Một quốc gia không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm: chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn.
Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, khoảng 1.500 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc kể từ đầu năm 2015 cho tới nay. Mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì vị trí là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, kho dự trữ này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 10/2016, còn 3.120 tỷ USD, theo số liệu của PBoC.
Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang có ít đi “vũ khí” trong tay để chiến đấu với tình trạng đồng nhân dân tệ mất giá, nhất là khi người dân Trung Quốc, với bản tính căn cơ tiết kiệm, ngày càng đẩy mạnh việc đưa tài sản ra nước ngoài để “trú ẩn”.
Thực tế, áp lực dòng tiền tháo chạy đã gia tăng ngay từ tháng 1/2016, khi người dân Trung Quốc lập mức kỷ lục mới với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ tại ngân hàng nội địa.
Theo PBoC, các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của các cá nhân/hộ gia đình tại đây đã tăng 8,1% so với cùng thời gian năm ngoái, lên mức 97,4 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận năm 2011. Vào tháng 10/2016, con số này đạt 113,1 tỷ USD.
Việc năm mới 2017 bắt đầu được dự báo có thể tạo nên bước nhảy vọt mới đối với việc chuyển đổi nhân dân tệ sang ngoại tệ, bởi nhiều người Trung Quốc kỳ vọng đồng USD tiếp tục tăng giá, Ding Shuang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Standard Chartered Plc cho biết.