Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái

Tham gia vào chương trình thẩm định đồng hồ fake (giả), một đại gia vô tình phát hiện ra chiếc đồng hồ 12.000 USD mua từ Thụy Sỹ bị làm giả tinh vi.

Hành trình 2 năm thẩm định

Thể hiện quyết tâm tẩy chay hàng giả, hàng nhái, để người tiêu dùng có thể nhận được giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra, Xwatch đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sự kiện “Ký tên chung tay tẩy chay đồng hồ fake (giả)”.

Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái ảnh 1

Rất nhiều người cùng ký chung tay chống đồng hồ fake 

Trong suốt 2 năm thẩm định cho khách hàng, chiến dịch này đã có 14.535 người tham gia đăng kí thẩm định online và đã tiến hành thẩm định được cho 11.777 đồng hồ. Sau khi thẩm định thì phát hiện trong đó, gần một nửa số đồng hồ mang đến là hàng giả, hàng nhái (4758 đồng hồ fake, chiếm 40,4%).

Tổng kết chương trình, có tới hơn 5000 người đã kí tên chung tay tẩy chay đồng hồ Fake. Tuy nhiên, số lượng đồng hồ fake bị tiêu hủy (216 chiếc) vẫn còn là khá ít, một phần do khách hàng cảm thấy tiếc số tiền đã bỏ ra để mua chiếc đồng hồ đó.

Đồng hồ nhái có giá cả trăm triệu đồng

Đặc biệt, đã có trường hợp, có người mua phải Rolex fake tinh vi với giá lên đến 200 triệu đồng.

Theo mô tả cụ thể của đội ngũ kỹ thuật: “Kim giây đúc bằng vàng khối, mặt số, logo bị fake (giả) đáng kinh ngạc, mắt thường không thể phân biệt. 10 viên kim cương trên viền đồng hồ thì 2 trong số đó có độ bắt sáng kém hơn hẳn so với 8 viên còn lại. Thông thường, chiếc Rolex này có giá chính hãng là 40.000$, mua cũ lại giá cũng không dưới 20.000 USD và chắc chắn không thể có giá 10.000 USD”.

Điều đáng nói, chiếc đồng hồ Rolex này được đánh giá là hàng super fake, fake cao cấp với những dấu hiệu trên đồng hồ làm giả y như thật. Mặt đồng hồ, kim, chữ, logo khắc rất sắc nét và tinh xảo, nhìn thoáng qua rất khó phân biệt.

Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái ảnh 2

Khu trưng bày đồng hồ fake cho người tiêu dùng nhận biết 

Theo chia sẻ từ vị khách, ông đã mua chiếc Rolex này từ một người quen với giá 200 triệu, hàng xách tay từ Thuỵ Sỹ nên giá được giảm 40% so với giá gốc và hoàn toàn làm bằng vàng nguyên khối 18K.

Sau khi mở máy và kiểm tra kỹ lưỡng, các kỹ thuật viên nhận định: “Máy của chiếc Rolex này cũng bị fake theo mẫu máy đời mới nhất của Rolex bây giờ là máy 3255. Thiết kế của nó khá giống máy đó, quả tự động bắt chước rất tinh vi. Tuy nhiên khi nhìn kỹ thì các đường nét chi tiết máy có độ hoàn thiện không đạt được như của hãng, mặc dù nó khá đẹp. Đặc biệt một điều nữa, loại máy này không có ở đồng hồ Rolex. Vì vậy có thể khẳng định đây là chiếc Rolex fake”.

Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái ảnh 3

Phải tháo ra mới có thể phân biệt được đồng hồ nhái cao cấp 

Một trường hợp đáng chú ý khác, khi có người mang đến thẩm định một chiếc Omega Seamaster James Bond 007, phiên bản đặc biệt kỉ niệm 50 năm bộ phim 007 của người quen với giá 4.000 USD (Bình thường giá niêm yết của hãng là hơn 8000 USD - Gần 180 triệu đồng), cũng đã dùng được vài năm.

Từng chi tiết dây, vỏ, in dập các thông số đều làm rất đẹp. Mặt số bên trong từ cái kim, cọc số đến dạ quang đều được làm khá chỉn chu. Chất liệu sử dụng cũng làm bằng Ceramic chuẩn. Nên bình thường mà chỉ quan sát bên ngoài thì rất khó phát hiện ra.

Máy sử dụng cũng là máy Thuỵ Sỹ chuẩn, tuy nhiên lại là máy dựng. Đáng lẽ, máy bên trong phải là máy Co-Axial 2507 độc quyền của Omega, ngựa 3 guốc, nhưng thực tế lại là máy ETA 2836 - loại máy được sử dụng khá phổ biến cho các dòng đồng hồ Thuỵ Sĩ tầm trung. Được mô phỏng rất tinh xảo theo bộ máy Co - Axial 2507.

Đánh vân đánh thớ khá đẹp nhưng độ hoàn thiện mới chỉ ở mức trung bình. Mặc dù mặt sau đề luôn mã máy là 2507 đúng với dòng đồng hồ kỉ niệm 50 năm thành lập của hãng. Nên có thể khẳng định luôn đây không phải là máy chuẩn của Omega. Đây là đồng hồ fake được làm giả cao cấp.

Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái ảnh 4

Thẩm định đồng hồ miễn phí cho mọi người đến sự kiện ký tên 

Nói cảnh giác là thế, nhưng hiện nay, người tiêu dùng rất khó để có thể phân được đồng hồ chính hãng và đồng hồ nhái, giả. Ngay cả các chuyên viên kỹ thuật về đồng hồ cũng khuyến cáo: “Check-code trên giấy tờ giúp người tiêu dùng an tâm hơn, nhưng code được lấy từ đồng hồ xịn sang đồng hồ nhái rất đơn giản. Dòng đồng hồ thời trang gần như đều dùng chung một mã.”

“Để phân biệt, một số dòng đồng hồ có con chip gắn trên tag giá để phân biệt đồng hồ thật – giả. Con chip sẽ nằm ẩn dưới tag giá, khi nào bóc ra mới có thể thấy được, đồ nhái không có cái đó.”, chuyên viên cho biết thêm.

Có mặt tại buổi ký tên tẩy chay đồng hồ fake, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, ông Hồ Quang Thái cho biết: “Khi mua phải đồng hồ giả, người tiêu dùng chỉ cần lấy hóa đơn có tên tuổi địa chỉ cửa hàng, tên người bán và người bán đó khi bán khẳng định đó là đồng hồ thật.”

Bỏ 12.000 USD đại gia vẫn mua phải đồng hồ Rolex nhái ảnh 5

Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, ông Hồ Quang Thái cũng không thể phân biệt được đồng hồ giả bằng mắt thường 

“Và, người tiêu dùng kiểm tra lại đó là đồng hồ nhái thì có thể báo lên các cơ quan chức năng như Đội quản lý thị trường theo Quận hoặc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 qua đường dây nóng 0981.389.389 và 0961.389.389; Fax: 04.39440848; Email: bcd389@customs.gov.vn ”, ông Thái cho biết thêm.

Về thời gian xử lý, ông Thái cho biết: “Sau khi có thông tin, văn phòng thường trực sẽ chuyển tới ban thường trực để xử lý và chậm nhất trong 15 ngày là báo cáo kết quả xử lý và có thể mời người tiêu dùng đi cùng.”

“Với hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên thì có thể xử lý hình sự, mức dưới 30 triệu đồng thì sẽ xử phạt hành chính lên tới cả trăm triệu đồng, thấp nhất là 2 triệu đồng (Nghị định 185).”, ông Thái chia sẻ thêm.

Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục