Bluechip giúp VN-Index "tìm lại" đà tăng điểm

(ĐTCK)

Việc VN-Index bước vào vùng kháng cự mạnh 1.290 – 1.300 điểm khiến thị trường trở nên rung lắc hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm ngành và các cổ phiếu lớn, là điểm tựa giúp thị trường giao dịch trong xu hướng tích lũy tích cực.

Trong phiên giao dịch sáng 11/10, thị trường tiếp tục trạng thái giao dịch lình xình và VN-Index chỉ đảo chiều điều chỉnh nhẹ về cuối phiên trong bối cảnh lực áp lực bán lan rộng và nhóm cổ phiếu bất động sản làm tốt nhiệm vụ “tiếp sức” cho thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ với giao dịch khá ảm đạm bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Chỉ số VN-Index phần lớn thời gian đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm hẹp.

Tuy nhiên, nhóm VN30 đã một lần nữa làm tốt vai trò gánh vác thị trường, giúp VN-Index đảo chiều hồi phục thành công và xác nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp dù thanh khoản sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 195 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 2,03 điểm (+0,16%), lên 1.288,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 531,74 triệu đơn vị, giá trị 13.218,8 tỷ đồng, giảm 26,15% về khối lượng và 28,44% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,87 triệu đơn vị, giá trị 1.263,5 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là động lực chính của thị trường khi kết phiên tăng gần 2 điểm, với tâm điểm là cổ phiếu VHM tăng 3,4%, đã đóng góp xấp xỉ 1,6 điểm cho chỉ số chung và thanh khoản vẫn duy trì nhiệt sôi động khi có hơn 15,62 triệu đơn vị khớp lệnh. Thành viên khác nhà Vingroup là VRE tăng 3% với khối lượng khớp 12,92 triệu đơn vị và VIC tăng 1% với khối lượng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng giao dịch khởi sắc, hỗ trợ tốt cho thị trường như VJC tăng 2,7% lên mức 108.900 đồng/CP, MSN tăng 1,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 81.100 đồng/CP và khớp hơn 6,9 triệu đơn vị, cùng loạt cổ phiếu ngân hàng đảo chiều tăng nhẹ.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh nhẹ bởi mã lớn VCB và BID cùng một số mã khác như TCB, ACB, OCB, HDB, LPB đóng cửa giảm trên dưới 0,5%; trong khi nhiều mã đã đảo chiều khởi sắc trở lại hoặc nhích nhẹ như EIB, VPB, STB, CTG, TPB, MBB, SHB, SSB đóng cửa tăng trên dưới 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đảo chiều tăng, với HCM tăng 2,63%, VCI tăng 1,24%, VND, ORS, VIX, FTS, VDS, BSI, CTS tăng trên dưới 1%. Trong đó, bộ 3 gồm VIX, ORS, HCM có thanh khoản sôi động nhất ngành, đều thuộc top 10 trên thị trường với trên dưới 12 triệu đơn vị khớp lệnh.

Với sự dẫn dắt của VHM, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là điểm sáng của thị trường. Các mã bất động sản tăng tốt như QCG tăng 5,5%, HDC tăng 3,4%, PDG tăng 3%, PDR tăng 2,2%, NTL tăng 1,9%, DXG tăng 1,6%...

Nhóm vận tải và cảng biển cũng tích cực với VJC tăng 2,74%, HAH tăng 3,2%, VOS tăng 2,6%, VSC tăng 2%, PDN tăng 1,12%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng thoát hiểm thành công trong thời gian cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,04%) lên 231,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,58 triệu đơn vị, giá trị 87,78 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng khởi sắc hơn, với SHS tìm lại mốc tham chiếu và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 4,33 triệu đơn vị; MBS đóng cửa tăng 0,7% và khớp hơn 3 triệu đơn vị; các mã khác như BVS tăng 2,2%, PSI và IVS cùng đứng giá tham chiếu.

Ngoài ra, trong nhóm HNX30, một số mã đã khởi sắc trở lại như HUT, NVB, PLC, NTP… Trong đó, CEO vẫn tăng nhẹ 0,7% và thanh khoản thuộc top 5 mã sôi động nhất, đạt 2,47 triệu đơn vị.

Ngược lại, PVS, TNG, IDC vẫn giảm nhẹ với thanh khoản hơn 1-2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AMV và DL1 có giao dịch sôi động, lần lượt đạt 2,22 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 4,5% và đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, không nằm ngoài xu hướng chung của toàn thị trường, UPCoM-Index cũng đã đảo chiều hồi phục thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 92,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,28 triệu đơn vị, giá trị 451,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,82 triệu đơn vị, giá trị 144,46 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với hơn 6,88 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên mã tăng tăng nhẹ 0,8% lên 24.400 đồng/CP.

Một số mã khởi sắc khác như VGI, QNS, ABB đều đóng cửa tăng hơn 1% với thanh khoản cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, LTG tiếp tục giao dịch sôi động với hơn 2,63 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng vẫn chưa thoát khỏi những ngày u ám khi đóng cửa giảm 9,71% xuống mức 9.300 đồng/CP. Như vậy, chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá cổ phiếu LTG đã giảm tới 33%.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 2 hợp đồng giảm với biên độ đều chưa tới 2 điểm. Trong đó, VN30F2410 tăng 0,4 điểm lên 1.366,6 điểm, khớp lệnh hơn 171.570 đơn vị, khối lượng mở gần 55.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCB2402 khớp lệnh dẫn đầu khi có hơn 4,31 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 16,3% xuống 360 đồng/cq. Theo sau là CVHM2404 với 4,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 28,7% lên 1.120 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục