Blockchain - Cuộc cách mạng trên thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuật ngữ “Real World Asset” (viết tắt là RWA - Tài sản mã hóa thế giới thực) được giới tài chính chú ý trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, quy mô thị trường tài sản mã hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 23,65%. Sự tăng tốc của thị trường RWA có thể được thúc đẩy bởi những thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Tuy vậy, thuật ngữ RWA đang được giới tài chính tiền mã hóa (crypto) sử dụng dễ gây nhầm lẫn với thuật ngữ “Risk-weighted Asset” trong tài chính truyền thống, cũng viết tắt là RWA.

Risk-weighted Asset có nghĩa “tài sản có tỷ trọng rủi ro”. Đây là tài sản của ngân hàng hoặc rủi ro ngoài bảng cân đối kế toán, được tính theo rủi ro mà ngành ngân hàng đã có các tiêu chuẩn lượng hóa tính toán theo các hiệp định Basel. Tính toán tài sản này được sử dụng để xác định yêu cầu vốn hoặc tỷ lệ phù hợp vốn (CAR) cho một tổ chức tài chính.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Trong khi đó, Real World Asset - “Tài sản mã hóa thế giới thực” có thể hiểu là đại diện cho tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong tài chính truyền thống, ví dụ bất động sản, trái phiếu, hàng hóa... Việc mã hóa các sản phẩm đó tạo ra các RWA. Nhờ đó, chúng ta mới có thể đưa các tài sản tài chính truyền thống lên blockchain và mở ra hàng loạt cơ hội tiềm năng khai thác thế mạnh của công nghệ blockchain.

Larry Fink, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BlackRock cho rằng, việc mã hóa tài sản và chứng khoán sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường tài chính, dù nhiều năm trước chính ông cho rằng loại tài sản này sử dụng nhiều cho “các hoạt động bất hợp pháp”. BlackRock là tập đoàn quản lý đầu tư đa quốc gia của Mỹ, là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 10.000 tỷ USD.

Blockchain cung cấp một nền tảng dễ tiếp cận, chi phí thấp để chứng khoán hóa bất kỳ tài sản nào. Không giống như các nền tảng chứng khoán hóa khác, blockchain cũng mang theo những lợi ích của tài chính phi tập trung (Decentralized Finance - DeFi), bao gồm thanh toán ngay lập tức, khả năng lập trình (có thể giúp tự động hóa những thứ như giao dịch và tuân thủ), tham gia thị trường toàn cầu 24/7 và khả năng kết hợp (có thể giúp kết nối các giao thức dễ dàng hơn và tạo ra những cải tiến mới). Các định chế tài chính tin rằng RWA on-chain có thể mang đến cơ hội trị giá hàng nghìn tỷ USD ở phía trước.

RWA là loại tài sản phát triển nhanh nhất trong tài chính phi tập trung (DeFi). Tổng giá trị tài sản “bị khóa” dưới dạng RWA đã tăng gần gấp đôi vào năm 2023, từ 1,44 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD tính tới ngày 30/9/2023. Sự tăng tốc của các tài sản mã hoá trong thế giới thực được thúc đẩy bởi những thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô. Trong khi các cơ hội lợi nhuận trên chuỗi trước đây được thúc đẩy bởi việc phát hành token mới và lợi suất truyền thống gần bằng 0 thì lãi suất ngày càng tăng cùng với thị trường tài sản mã hóa giảm giá đã làm tăng sức hấp dẫn của các công cụ tạo lợi nhuận truyền thống như trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và tín dụng tư nhân. Điều này đã làm giảm nhu cầu về các công cụ tạo lợi nhuận theo cách cũ của tiền mã hóa trong DeFi và tăng nhu cầu từ người dùng tiền mã hóa đối với các sản phẩm thu được phần thưởng là lợi nhuận ngoài blockchain thông qua các kênh trên blockchain.

Bản đồ hệ sinh thái các tài sản mã hóa thế giới thực của Galaxy Research cho thấy bức tranh sơ bộ của các tổ chức phát hành RWA (xem bản đồ). Trong đó, các tổ chức phát hành RWA đáng chú ý là Centrifuge (với 238 triệu USD trong RWA được phát hành) - công ty phát hành các khoản vay tín dụng tư nhân trên chuỗi lớn nhất; Franklin Templeton (với 310 triệu USD trong RWA được phát hành) - một tổ chức tài chính truyền thống phát hành trái phiếu kho bạc mã hóa.

Franklin Templeton là công ty đầu tư toàn cầu có 76 năm cung cấp các quỹ tương hỗ, quỹ ETF và nhiều loại sản phẩm quỹ khác cho các cá nhân và tổ chức. Với tư cách là một công ty, Franklin Templeton quản lý hơn 100 sản phẩm ETF và quỹ tương hỗ, đồng thời nắm giữ tài sản quản lý trị giá 1.500 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng phải kể tới WisdomTree (11 triệu USD trong RWA được phát hành) - một thị trường vốn tổ chức phát hành quỹ theo dõi trái phiếu kho bạc. WisdomTree là công ty đổi mới tài chính toàn cầu được thành lập vào năm 1985, cung cấp một bộ sản phẩm, mô hình và giải pháp giao dịch trao đổi (ETP) đa dạng. Công ty này hiện đang quản lý gần 96 tỷ USD tài sản.

WisdomTree và Franklin Templeton là hai công ty tài chính truyền thống kỳ cựu, có hoạt động kinh doanh chính không liên quan đến tiền mã hóa và công nghệ blockchain.

Trong vài năm qua, Franklin Templeton và WisdomTree đã bắt đầu thử nghiệm RWA bằng cách mã hóa các công cụ tài chính truyền thống khác nhau như quỹ tập trung vào token hóa vốn cổ phần và trái phiếu kho bạc để phục vụ nhu cầu của khách hàng tổ chức của họ. Mặc dù những nỗ lực này vẫn còn non trẻ và đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc phát hành RWA bởi các công ty tài chính truyền thống kỳ cựu có khả năng xúc tác cho việc thu hút một lượng lớn người dùng mới vào tiền mã hóa chưa từng tương tác trên công nghệ blockchain.

Tổng giá trị tài sản “bị khóa” dưới dạng RWA đã tăng gần gấp đôi vào năm 2023, từ 1,44 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD tính tới ngày 30/9/2023.

Real-World Asset trên blockchain đang là một xu hướng đáng chú ý, nhưng cũng gặp phải nhiều rủi ro và hạn chế. Dù được phát hành trên các blockchain công khai, RWA không tự động mở rộng quyền truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Người dùng muốn tương tác với RWA cần phải hoàn thành các quy trình xác minh danh tính (KYC), cũng như có thể cần đáp ứng các yêu cầu về số dư tối thiểu. Điều này khiến RWA không phải là một giải pháp toàn diện cho việc đem lại quyền truy cập tài chính đến các cá nhân có hạn chế về tài chính hay danh tính.

Một rủi ro đặc trưng của RWA là việc không được đảm bảo tín dụng trong tài chính truyền thống. Nếu một người vay không trả được nợ, người gửi tiền có nguy cơ mất tiền. Để giảm bớt các rủi ro này, các tổ chức phát hành RWA thường sử dụng các phương pháp quản trị rủi ro cao cấp, thường liên quan đến sử dụng các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) để duyệt và quản lý các khoản vay.

Sự phát triển của RWA và loại tài sản này trên blockchain chủ yếu được thúc đẩy bởi người dùng token có kinh nghiệm, chứ không phải là người mới tiếp cận thế giới token. Tuy nhiên, việc các công ty tài chính truyền thống lớn như Franklin Templeton và WisdomTree bắt đầu áp dụng RWA đánh dấu một bước tiến quan trọng, cho thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực DeFi mới ra đời này trong việc thu hút người dùng mới.

Năm 2023 đánh dấu một giai đoạn động lực tăng cho RWA, với giá trị thị trường của nhiều loại tài sản này đang có xu hướng tiến tới mức cao mới. Môi trường vĩ mô đang phát triển cũng như nhu cầu liên tục từ cả người dùng mới lẫn những người đã có kinh nghiệm trong tài sản mã hoá tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực nàyn

Nguyễn Đoan Hùng
Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục