Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) là một nền tảng công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán (distributed ledger) trên nền tảng các máy tính ngang hàng (peer-to-peer), sử dụng một hệ thống được mã hóa bởi các thuật toán phức tạp với cơ sở dữ liệu các bản ghi giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trong cộng đồng sử dụng có thể truy cập công khai nhưng không một ai có thể can thiệp, sửa đổi.
Công nghệ Blockchain cho phép tạo ra nhưng bản ghi giao dịch minh bạch, lâu bền, chống sửa đổi, có thể truy vết giữa các bên tham gia hệ thống mà không cần đến bất kỳ một bên trung gian tín nhiệm nào khác lưu giữ.
Từng khối dữ liệu trong chuỗi khối này chứa đựng các thông tin chi tiết của một giao dịch giữa hai bên bao gồm bên bán, bên mua, thời hạn hợp đồng, giá thỏa thuận...
Đồng thời, khi một giao dịch được thực hiện, một khối dữ liệu mới sẽ được sinh ra để ghi nhận những thông tin chi tiết về giao dịch đó và ghép nối tiếp tục vào chuỗi khối dữ liệu của toàn bộ các giao dịch diễn ra trước đó.
Blockchain không phải là Bitcoin
Do sự ra đời của công nghệ Blockchain gắn liền với sự ra đời của đồng tiền Bitcoin nên không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, khi nhắc tới Blockchain nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn với Bitcoin và ngược lại. Tuy nhiên, về bản chất, hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Blockchain là khái niệm về công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán thì Bitcoin được biết đến với tư cách là đồng tiền mã hóa/tiền thuật toán đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ Blockchain, và cũng có thể coi là ứng dụng đầu tiên của Blockchain trong ngành tài chính ngân hàng hiện này.
Sau Bitcoin, hiện đã có hàng ngàn loại tiền mã hóa khác được ra đời trên nền tảng công nghệ Blockchain, trong đó phải kể đến một số đồng tiền có quy mô vốn hóa trên thị trưởng lớn (chỉ xếp sau Bitcoin) như Ethereum, Dash, Monero hay Ripple…
Đồng tiền mã hóa Bitcoin được một nhân vật có tên là Satoshi Nakamoto phát minh và đưa ý tưởng này lên cộng đồng mạng với mục đích tạo ra một hệ thống giao dịch an toàn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu vào năm 2009.
Bitcoin được sinh ra và vận hành bởi một hệ thống máy tính ngang hàng (peer-to-peer) của cộng đồng người sử dụng đồng tiền này. Người dùng trong cộng đồng mạng có thể tạo ra Bitcoin thông qua việc xử lý một chuỗi thuật toán phức tạp, quá trình này được gọi là quá trình "đào" Bitcoin và người dùng đó được hưởng số Bitcoin mà mình vừa tạo ra.
Tuy nhiên, số lượng Bitcoin là có hạn (nguồn cung Bitcoin được đặt bởi thuật toán ở giới hạn tối đa là 21 triệu) nên quá trình "đào" này sẽ không thể tạo ra Bitcoin khi lượng Bitcoin đạt ngưỡng tối đa.
Hiện nay, do số lượng Bitcoin vẫn có thể sinh ra trong quá trình đào nên vẫn còn số lượng lớn người dùng sử dụng phương thức này để tạo ra những đồng Bitcoin mới trong bối cảnh đồng Bitcoin đang có mức giá rất cao.
Bên cạnh đó, một trong những lý do mà Bitcoin được ưa chuộng như ngày nay là nhờ khả năng ẩn danh trong các giao dịch, tạo điều kiện cho giới tội phạm trên toàn cầu khai thác để thực hiện các giao dịch phi pháp như mua ma túy, chuyển tiền xuyên biên giới trái quy định, mua vũ khí, tài trợ khủng bố, rửa tiền… gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của một quốc gia cũng như tổng thể nền kinh tế.
Đây cũng là vấn đề được Chính phủ các quốc gia trên thế giới quan tâm và đưa ra những chiến lược quản lý khác nhau cho đồng tiền này, gồm: (i) Cấm trên diện rộng (Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan…); (ii) Cấm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (Trung Quốc, Nigeria…); (iii) Cảnh báo rủi ro đối với người sử dụng, đầu tư (như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…); (iv) Chấp nhận như một phương tiện thanh toán (Nhật Bản, Argentina).
Trái ngược với Bitcoin, công nghệ Blockchain hiện được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực và hứa hẹn mang tới một kỷ nguyên số cho các hoạt động tài chính ngân hàng nhờ khả năng đột phá về công nghệ, có khả năng thay đổi các quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch của các dịch vụ, giảm thiểu bớt chi phí vận hành và mang lại độ bảo mật cao cho hoạt động ngân hàng.
Chính vì vậy, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC... đã và đang nghiên cứu áp dụng công nghệ Blockchain trong các hoạt động của mình và xu hướng này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Gần đây nhất, Ngân hàng OCBC của Singapore là ngân hàng đầu tiên trong khu vực ứng dụng công nghệ Blockchain trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Với đà phát triển như hiện nay, các chuyên gia công nghệ hàng đầu nhận định rằng, trong những năm sắp tới đây, sẽ có khoảng 15% tổng số các tổ chức tín dụng trên toàn thế giới sẽ áp dụng công nghệ này cho các hoạt động của tổ chức mình.
Từ thực tiễn trên cho thấy, việc áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện đang là xu thế phát triển mạnh trên thế giới, thu hút được được sự quan tâm lớn từ phía các tổ chức ngân hàng - tài chính, công ty Fintech, công ty khởi nghiệp cùng tham gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng gồm: (i) Thanh toán và chuyển tiền; (ii) Tài trợ thương mại, bao thanh toán; (iii) Tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành; (iv) Giao dịch ngoại hối; (v) Giao dịch chứng khoán; (vi) Bảo hiểm; (vii) Các dịch vụ hỗ trợ khác như: Nhận biết khách hàng (KYC), Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT).
Có thể ứng dụng công nghệ này vào Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, hiện chưa có tổ chức ngân hàng - tài chính nào công bố công khai chính thức áp dụng công nghệ Blockchain cho kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, không nằm ngoài xu thế của thế giới, một số ngân hàng cũng đã và đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này, hứa hẹn khả năng áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực ngân hàng tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần.
Tuy nhiên, để phát triển công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam, cần có sự chỉ đạo hỗ trợ từ phía Chính phủ tới các bộ, ban, ngành và bản thân các ngân hàng thương mại, các công ty Fintech...
Về mặt cụ thể, Chính phủ cần có định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu về công nghệ Blockchain và những ứng dụng khả thi của công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ tài chính, quản lý nhà đất, y tế, dịch vụ pháp lý…
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ Blockchain thông qua xây dựng các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho các công ty Fintech/công ty khởi nghiệp hoạt động phù hợp với chủ trương hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu về công nghệ Blockchain và ứng dụng của công nghệ này trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm… và phối hợp với NHNN để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần có nghiên cứu sâu về công nghệ Blockchain, tiềm năng ứng dụng công nghệ này trong các hoạt động nghiệp vụ; trước mắt chú trọng khai thác khả năng ứng dụng của Blockchain trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, nhận biết và xác thực khách hàng… xây dựng Đề án và chủ động đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép triển khai.
Và cuối cùng chính là các công ty Fintech, đơn vị triển khai chính về công nghệ cần xây dựng các phương án hợp tác với ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, bảo hiểm… nhằm cung ứng các giải pháp về công nghệ Blockchain và hỗ trợ các đơn vị trên trong quá trình triển khai.