Đổi tên, mở rộng địa bàn kinh doanh
Tiền thân là Trung tâm cấp thủy Bình Dương, được thành lập năm 1975 và sau đó cổ phần hóa vào năm 2016, tới năm 2023 chính thức đổi tên thành Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương - Công ty cổ phần (Biwase, mã BWE).
Sau cổ phần hóa, việc chuyển sang mô hình công ty cổ phần đã giúp Biwase nhanh chóng phát huy được thế mạnh sẵn có và không ngừng lớn mạnh, vươn ra các địa phương khác như Long An, Cần Thơ, Quảng Bình... Đến nay, Biwase đã sở hữu các nhà máy nước công suất lên tới 700.000 m3/ngày đêm; chi nhánh xử lý rác với công suất 3.000 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước thải với công suất 5 nhà máy là 85.500 m3/ngày đêm.
Tính từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Biwase đã tăng hơn 40% lên 10.001,7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm cả về quy mô tài sản lẫn doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài ra, Công ty còn sở hữu hàng loạt doanh nghiệp cấp nước ở các địa phương khác trên cả nước như Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ 2, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Long An, Công ty cổ phần Cấp nước Quảng Bình, Công ty cổ phần Cấp nước Vĩnh Long, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa…
Bên cạnh mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, tính từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Biwase đã tăng hơn 40% lên 10.001,7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm cả về quy mô tài sản lẫn doanh thu và lợi nhuận.
Trong đó, nếu như trước cổ phần hóa, năm 2015, Biwase ghi nhận doanh thu 1.213 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng thì tới năm 2022, doanh thu đã tăng lên 3.484 tỷ đồng (tăng 187,2%) và lợi nhuận đạt 747 tỷ đồng (tăng 334,5%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Biwase ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.736 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ và hoàn thành 44% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 332 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch năm. Trong đó, đáng lưu ý, tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục ở mức thấp kỷ lục của ngành là 5%.
Hoàn thiện hệ sinh thái cấp nước - xử lý chất thải
Sau cổ phần hóa, với việc kinh doanh ổn định trong 2 lĩnh vực chính là cấp nước và xử lý rác thải, Biwase từng bước thống lĩnh thị trường tại tỉnh Bình Dương và vươn mình sang các thị trường tiềm năng khác để mở rộng hệ thống cấp nước khu vực phía Nam.
Công ty sở hữu hàng chục nhà máy cấp nước từ Quảng Bình đến Cần Thơ. |
Trong đó, đối với lĩnh vực cấp nước, Biwase tiếp tục đầu tư mạng lưới ống truyền tải và phân phối đến các vùng sâu, vùng xa, phát triển công tác đấu nối khách hàng nhằm cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, sản xuất ngày càng nhiều hơn và để phát huy tối đa công suất tại các nhà máy nước Tân Hiệp, Dĩ An, Uyên Hưng, Nam Tân Uyên, Đất Cuốc, Chơn Thành…
Đồng thời, Biwase còn tập trung đẩy nhanh mở rộng mạng lưới cấp nước Bàu Bàng, Chơn Thành - Bình Phước, mở rộng phạm vi hoạt động tại Bình Dương, Bình Phước và một số địa phương lân cận khác như Cần Thơ, Long An và Quảng Bình.
Được biết, năm 2021, Biwase thực hiện mua và tiếp quản điều hành Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân; năm 2022, tiếp tục mua và tham gia Hội đồng quản tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ và Công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ 2; đặc biệt, trong năm 2023, Biwase thực hiện nhiều thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) hơn khi mua và tiếp quản điều hành tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An.
Ngoài ra, Công ty còn đầu tư mua số lượng lớn cổ phần của các doanh nghiệp cùng ngành khác như sở hữu 41% vốn tại Công ty cổ phần Cấp nước Quảng Bình, sở hữu 33,65% vốn tại Công ty cổ phần Cấp nước Vĩnh Long…
Đầu tháng 2/2023, Biwase thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần 5 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty cổ phần Công trình đô thị Châu Thành, Công ty cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình, với tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 50% đến 100%.
Như vậy, với kế hoạch tiếp tục mua cổ phần và nắm giữ các doanh nghiệp cấp nước ở các địa phương khác, Biwase sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn kinh doanh trong thời gian tới, qua đó trở thành một trong những công ty cấp nước lớn nhất khu vực phía Nam cũng như cả nước trong tương lai không xa.
Quay trở lại với định hướng kinh doanh trong lĩnh vực quan trọng thứ hai là xử lý chất thải, Biwase sẽ tăng cường thu gom và xử lý hết lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng cao của nhà máy xử lý chất thải như thi công hoàn thành phát huy công suất dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ công suất 840 tấn/ngày giai đoạn 4 và lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha phục vụ công trình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Được biết, dựa trên kế hoạch mở rộng địa bàn kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải, năm 2023, Biwase đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.970 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế tối thiểu đạt 720 tỷ đồng, tăng 5,6%. Trong đó, tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì ở mức dưới 5%, nước thương phẩm tối thiểu 186 triệu m3 và cổ tức dự kiến tối thiểu 13%/năm.