2 bến đỗ an toàn khi thị trường bất ổn
Cho đến nay, không ít ý kiến vẫn cho rằng, Bitcoin là sản phẩm của những bộ óc muốn “nổi loạn”, tạo nên cuộc cách mạng tiền tệ mới trên thế giới, tránh sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương, hoặc là công cụ để “né” quy định kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài.
Tuy nhiên, diễn biến trong vài năm gần đây cho thấy, nhà đầu tư đã tìm tới Bitcoin như là một công cụ tự bảo hiểm được ưa chuộng, nhất là khi các thị trường tài chính có biến động mạnh.
Diễn biến giá Bitcoin và giá vàng thời điểm Brexit bắt đầu diễn ra.
Chẳng hạn, cách đây 4 năm, khi nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - Brexit trở thành sự thật, tạo nên làn sóng bất ổn trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá Bitcoin đã tương đồng với bước đi của giá vàng. Ðồng tiền điện tử này đạt đỉnh cao nhất trong hơn 2 năm vào ngày 16/6/2016, một ngày trước khi vàng chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2015.
Sau đó, khi các cuộc khảo sát cho thấy khả năng rời khỏi EU của Anh là thấp, cả Bitcoin và vàng đều xuống dốc. Những dữ liệu ghi nhận được thể hiện giá Bitcoin dù có biến động dữ dội hơn, nhưng vẫn cùng xu hướng với giá vàng.
Sự kiện tiếp theo chứng tỏ việc nhà đầu tư coi Bitcoin như một công cụ tự vệ là vào tháng 8/2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Lúc này cùng với việc giá vàng leo lên mốc 1.500 USD/ounce, Bitcoin cũng nhanh chóng tạo đỉnh mới.
Theo tổng hợp của Bloomberg Economics, sự tương đồng giữa Bitcoin và vàng đã tăng lên mức 0,827 điểm trong năm vừa qua, so với mức 0,496 điểm giai đoạn trước đó. Con số tuyệt đối là 1 thể hiện hai loại tài sản này có diễn biến hoàn toàn tương đồng. Trong giai đoạn 2 năm, điểm số tương đồng giữa Bitcoin và vàng ở mức 0,616.
Covid-19 bùng phát, Bitcoin và vàng trật nhịp
Giá vàng và Bitcoin bắt đầu trật nhịp từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mối tương quan giữa Bitcoin và vàng trở nên cách biệt.
Vào thời điểm bắt đầu, đồng tiền điện tử này vẫn sánh đôi cùng giá vàng, khi tăng 43% kể từ đầu năm lên mức 10.471 USD/bitcoin ngày 13/2.
Mức tăng nay khá tương đồng với giá vàng, cũng như trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Sau đó, sự chia cắt xuất hiện. Vào nửa sau tháng 2/2020, Bitcoin giảm giá 23% từ mức đỉnh gần nhất.
Ðáng chú ý, diễn biến giá của đồng tiền điện tử này cho thấy, nó không còn là loại tài sản yêu thích của nhà đầu tư trong giai đoạn biến động nữa.
Cụ thể, trong gần một tuần cuối tháng 2, giá Bitcoin quanh quẩn ở mức 10.000 USD/bitcoin, sau đó giảm xuống 9.500 USD/bitcoin, dù giá trái phiếu và vàng duy trì sự ổn định.
Hiện tại, Bitcoin tiếp tục giảm về quanh mức 8.000 USD/bitcoin, trong khi giá vàng đang giao dịch ở mức cao nhất 7 năm qua.
Kết quả là mối tương quan giữa Bitcoin và vàng rơi xuống mức âm 0,22 điểm trong tháng vừa qua.
Diễn biến này phần nào cho thấy, tâm lý của giới đầu tư đang trở nên bất ổn hơn, khiến họ muốn tìm tới các loại tài sản trú ẩn “hữu hình” hơn, thay vì đồng tiền “ảo” như Bitcoin.