
Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, thâm hụt lớn và nợ công cao dường như có thể duy trì được khi lãi suất được giữ ở mức thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho phép các cơ quan tài chính tránh đưa ra những lựa chọn khó khăn như cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế.
"Nhưng thời kỳ lãi suất cực thấp đã qua. Các cơ quan tài chính có một khoảng thời gian eo hẹp để sắp xếp lại mọi thứ trước khi lòng tin của công chúng vào các cam kết của họ bắt đầu lung lay", ông cho biết.
"Các thị trường đã thức tỉnh trước thực tế rằng một số con đường không bền vững…các thị trường tài chính có thể đột nhiên mất ổn định khi đối mặt với tình trạng mất cân bằng lớn. Đó là lý do tại sao việc củng cố tài chính ở nhiều nền kinh tế cần phải bắt đầu ngay bây giờ. Chỉ loay hoay giải quyết thôi là chưa đủ", ông cho biết thêm.
Các cảnh báo được đưa ra sau khi lợi suất trái phiếu tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu gia tăng trong thời gian gần đây, một phần do kỳ vọng của thị trường rằng chính phủ sẽ tăng chi tiêu được tài trợ bằng nợ tăng.
Ông Carstens cho biết việc vỡ nợ công có thể làm mất ổn định hệ thống tài chính toàn cầu và đe dọa sự ổn định tiền tệ vì các ngân hàng trung ương có thể buộc phải tài trợ cho nợ chính phủ, dẫn đến sự thống trị của tài chính đối với chính sách tiền tệ.
"Kết quả sẽ là lạm phát gia tăng và tỷ giá hối đoái giảm mạnh…Xét đến những cân nhắc này, điều cần thiết là các cơ quan tài chính phải kiềm chế sự gia tăng không ngừng của nợ công", ông cho biết.
BIS đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác tiền tệ và tài chính quốc tế giữa các ngân hàng trung ương và đóng vai trò là ngân hàng của các ngân hàng trung ương.
Nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với áp lực phải chi tiêu công nhiều hơn do dân số già hóa, biến đổi khí hậu và chi tiêu quốc phòng tăng cao.
"Các cơ quan tài chính phải đưa ra một con đường minh bạch và đáng tin cậy để bảo vệ khả năng thanh toán tài chính, lý tưởng nhất là được hỗ trợ bởi các khuôn khổ tài chính mạnh mẽ hơn. Sau đó, họ phải thực hiện các cam kết của mình…Các ngân hàng trung ương không thể là lựa chọn duy nhất", ông cho biết.
Đối với chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương không nên được kỳ vọng sẽ ổn định lạm phát "trong thời gian rất ngắn và trong phạm vi hẹp".
"Điều này đặc biệt quan trọng vì, như các sự kiện gần đây đã chỉ ra rằng lạm phát sẽ phụ thuộc một phần vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương", ông cho biết.