Trong khi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế toàn cầu đang dè dặt tính toán cho việc mở cửa trở lại thì các lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra thích ứng nhanh hơn. Họ dường như đã có các kịch bản đưa nhân viên trở lại làm việc, đặc biệt là cụ thể hóa các vấn đề khi nào và như thế nào.
Kết quả mới nhất từ Khảo sát Lãnh đạo tài chính (CFO) toàn cầu về Covid-19 của PwC cho thấy mối lo ngại lớn nhất của các CFO là tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu (60%) và khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ hai (58%).
Tuy nhiên, các lãnh đạo tài chính cũng rất tự tin về khả năng ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai (71%).
Phát triển doanh thu hiện là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp. Khi các quốc gia trên thế giới dần mở cửa lại nền kinh tế, rõ ràng, doanh nghiệp cần kế hoạch thích ứng nhanh nhạy để tiếp cận lại khách hàng và tìm kiếm nguồn doanh thu mới thông qua các sáng kiến cải tiến trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Giờ đây, các lãnh đạo doanh nghiệp tự tin vào khả năng tạo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên (74%) và đảm bảo hiệu suất làm việc (chỉ 26% dự kiến hiệu suất làm việc sẽ bị ảnh hưởng do đại dịch, chỉ số này giảm đáng kể so với 52% ở kết quả khảo sát đầu tiên).
Nhằm định hướng phát triển công ty trong tương lai, các lãnh đạo đang chuyển sang tập trung vào khôi phục hoặc tăng cường thúc đẩy các nguồn doanh thu.
Khả năng thích nghi và ứng phó nhanh nhạy trong môi trường bình thường mới chính là yếu tố quyết định khả năng hồi phục của doanh nghiệp.
Cụ thể, để tái tạo nguồn doanh thu, hầu hết các CFO đều cho rằng, việc đưa vào các sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc có thêm cải tiến là yếu tố quan trọng nhất. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng, đổi mới sẽ là yếu tố thúc đẩy trong giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, gần một nửa lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang lên kế hoạch thay đổi chiến lược về giá. Các cơ hội tăng trưởng doanh thu khác đến từ các thay đổi về: kênh phân phối (36%), phân khúc khách hàng (34%), chuỗi cung ứng (30%), thị trường mới (27%), nhân tài (27%) và giao dịch (25%).
“Đây là thời điểm chúng ta thấy một số doanh nghiệp tiêu biểu sẽ vươn lên và đạt được thành công. Họ là những doanh nghiệp nhanh nhạy và có thể điều chỉnh các mô hình kinh doanh hiện tại để thích ứng, không chỉ giữ chân khách hàng hiện tại mà còn tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng”, bà Amity Millhiser, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Phụ trách khách hàng của PwC Hoa Kỳ nhận định.
Chuyên gia này cũng cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến trong những tháng vừa qua, các doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của nhân viên ngay từ ban đầu và áp dụng tư duy kỹ thuật số để giữ an toàn và tạo điều kiện cho nhân viên tiếp tục làm việc. Khi việc phát triển doanh thu đang ngày một trở nên quan trọng, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp càng cần phải lắng nghe khách hàng hơn và tương tự ứng dụng tư duy đó cho việc cải tiến các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời đưa vào những trải nghiệm mới cho khách hàng từ việc sử dụng công nghệ”.
Cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy những thay đổi trong quan điểm của các lãnh đạo tài chính.
Kể từ khi các lãnh đạo tài chính Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc khảo sát để chia sẻ quan điểm và các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch Covid-19 trong tháng 4/2020, chúng tôi đã dõi theo quan điểm các CFO trong nước và quốc tế.
Chúng tôi nhận thấy rằng họ chủ yếu tập trung vào các biện pháp an toàn, quản lý khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế và xã hội, cùng với đó nhanh nhạy điều chỉnh mô hình kinh doanh theo những biến động của tình hình.
Các lãnh đạo tài chính sẽ tiếp tục ưu tiên việc ứng phó nhanh nhạy để định hướng và phát triển trong bối cảnh kinh tế mới, vừa vững vàng đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, khác với tâm lý lo lắng và phần lớn co cụm như khi đại dịch Covid-19 hoành hành cao điểm hồi tháng 3 năm nay.