Theo kế hoạch phát triển nhà ở của Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng là khoảng 6.662.792 m2 sàn. Trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.767.792 m2 sàn.
Về tỷ lệ xây dựng nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở, tỉnh phấn đấu phải đạt trên 30% tổng diện tích phát triển nhà ở của dự án, khoảng 250.000 m2 sàn; tỷ lệ nhà ở riêng lẻ trong các dự án dưới 70% tổng số căn nhà phát triển dự án. Bên cạnh đó, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê đạt tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, tương đương khoảng 119.000 m2 sàn.
Để thực hiện kế hoạch đặt ra, tổng nhu cầu vốn sẽ cần là 37.468 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 24 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây khoảng 21.425 tỷ đồng.
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư năm 2022, diễn ra vào sáng 30/8, ông Cao Sơn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Bình Thuận đã được tính toán cụ thể dựa trên quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chiến lược phát triển triển nhà ở quốc gia.
Đây là những văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, không gây xáo động thị trường bất động sản, không gây tồn dư bất động sản trên địa bàn tỉnh, Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh đã tính toán nhu cầu nhà ở cho phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình nhà ở phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển của địa phương.
Riêng với thị trường bất động sản du lịch, ông Dũng cho rằng, đây là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu về du lịch bùng nổ và tăng đột biến sau thời kỳ hậu Covid-19 ở cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để thị trường bất động sản du lịch phát triển có hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của các vùng, miền trong cả nước, tạo nên sức hấp dẫn và phúc đáp tốt nhu cầu của du khách thì cần thiết khách quan cần phải có sự nhận định đúng đắn vai trò của thị trường bất động sản du lịch. Nhận diện một cách khách quan sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, loại hình này pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai …, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện loại hình bất động sản này.
Trong thời gian qua, Bình Thuận có nhiều cố gắng, phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương để gỡ nút thắt cho loại hình bất động sản du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư và khơi thông thị trường, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định pháp luật chưa có nên Bình Thuận hiện nay chưa thể thực hiện được.
Để gỡ nút thắt cho loại hình bất động sản này, theo ông Dũng, Chính phủ cần có một hành lang pháp lý cụ thể cho loại hình bất động sản mới này để các địa phương thực hiện, từ đó phát huy hết hiệu quả bất động sản du lịch ven biển của tỉnh.
Trong đó cần sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý của bất động sản du lịch trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng và Luật đất đai… đồng bộ, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc huy động vốn, kinh doanh chuyển nhượng loại hình bất động sản này để Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có căn cứ để thực hiện.