Định hướng nông nghiệp công nghệ cao
Mới đây, Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu, phương hướng phát triển ngành nông nghiệp nghiệp Bình Dương theo định hướng nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo quy hoạch, sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
“Khai thác lợi thế của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất tập trung về chăn nuôi, trồng trọt… tại địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng; quản lý chặt chẽ các khu vực có giá trị sinh thái cao tại khu vực phía Nam (Thủ Dầu Một, Thuận An, khu vực dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...) để phát triển mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, hình thành mạng lưới cây xanh, công viên cây xanh, không gian mở...”, toàn văn nêu.
Đặc biệt, trong lộ trình quy hoạch nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền phương án chuyển đổi một phần diện tích trồng cây cao su có năng suất thấp sang mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị, năng lượng sạch, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo nội dung quy hoạch định hướng, tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, thực hiện chức năng bảo vệ môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Khuyến khích nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái phục vụ hoạt động ứng dụng nghiên cứu, sản xuất ứng dụng và chuyển giao công nghệ; các hoạt động liên quan tới dịch vụ nông nghiệp: chế biến, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nhà ở cho chuyên gia, người lao động tại khu, vùng nông nghiệp CNC.
Điểm đến đầu tư nông nghiệp hấp dẫn
Thực tế, theo thống kê từ UBND tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh có khoảng 5.763 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 4 khu nông nghiệp CNC. Toàn tỉnh có 80 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt.
Bình Dương hiện cũng có 2 nguồn lực quan trọng là diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và nguồn lao động nông thôn dồi dào. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,63% diện tích tự nhiên của tỉnh, lao động nông thôn chiếm 15,5% lực lượng lao động toàn tỉnh.
Cách làm của tỉnh hiện nay là quy hoạch các khu CNC và có những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất tạo đà cho toàn ngành nông nghiệp địa phương phát triển.
Về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương, ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNC, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.
Ông Phạm Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Kim Long tại huyện Phú Giáo chia sẻ, với mô hình trồng dưa lưới CNC HTX này mang về doanh thu 45 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp lớn vào nông nghiệp trên địa bàn.
Phú Giáo cũng là huyện trọng điểm trong phát triển nông nghiệp CNC của tỉnh với 103 hộ được cấp chứng nhân VietGAP, 416 hộ ứng dụng CNC trên 1.000 ha.
Với diện tích hơn 400 ha trang trại Unifarm được xem là thủ phủ chuối và dưa lưới công nghệ cao của Bình Dương và cả nước. Với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu. Khoảng 300 ha trồng chuối tại Unifarm mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam còn nhận định, Bình Dương còn là địa phương trọng điểm trong xuất khẩu rau quả của khu vực Đông Nam Bộ. Góp phần lớn vào kim ngạch nông nghiệp của tỉnh nói riêng cũng như cả nước.
Bên cạnh trồng trọt, Bình Dương cũng hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào các dự án chăn nuôi. Hiện trên địa bàn có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng CNC với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm CNC tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6 ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày.
Hay Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng, Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5 ha) với tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm.
Và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC, Phú Giáo do Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao trên 470 ha; tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác trên 199.000 kg/tháng.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương hiện tập trung ở 4 huyện phía Bắc (Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên), chủ yếu là heo và gà. Ngoài các doanh nghiệp nội thì nhiều FDI cũng góp dự án tại địa bàn như: 3F Việt, CP, CJ Vina, Japfa, CJ-Agri, Ba Huân, Emivest, Viet Swan,…
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) chia sẻ rằng, cùng với De Heus, nhiều thương hiệu có kinh doanh nông nghiệp khác của Hà Lan đang hoạt động thành công tại Bình Dương như: Akzo Nobel, Dutch Lady, Nedspice... đã góp phần khẳng định tỉnh là một địa phương năng động, đổi mới với nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn và có những cơ chế, chính sách cởi mở.