Bình Dương gấp rút tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp để lấy lại đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Để lấy lại đà tăng trưởng trong quý II, tỉnh Bình Dương đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất nhằm đưa ngành công nghiệp tăng trưởng trở lại để kéo GRDP tăng lên.
Sản xuất gỗ tại Công ty An Cường, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn Sản xuất gỗ tại Công ty An Cường, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn

Công nghiệp sụt giảm kéo tăng trưởng "thụt lùi"

Ngay sau khi kết thúc quý I/2023, tỉnh Bình Dương đã công bố các chỉ số kinh tế trên địa bàn tỉnh với kết quả không mấy khả quan. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân sụt giảm GRDP so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm vì chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm.

Nhiều ngành công nghiệp trước đây chiếm tỷ trọng cao thì quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: giường tủ, bàn, ghế giảm 69,4%; sản phẩm từ cao su và plastic giảm 29,7%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 24,8%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,8%; sản xuất trang phục giảm 9,9%…

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% và kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 14%.

Đối với đầu tư nước ngoài (tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2023), Bình Dương thu hút được 437 triệu USD (giảm 74% so với cùng kỳ, do cùng kỳ năm trước có dự án của Tập đoàn Lego vốn đầu tư 1,3 tỷ USD).

Trước tình hình các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu, mới đây đích thân Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã triệu tập cuộc họp đột xuất nhằm đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế quý I và đưa ra giải pháp để phục hồi kinh tế của “thủ phủ công nghiệp” trong quý II.

Gấp rút thực hiện giải pháp “cứu” doanh nghiệp

Để lấy lại đà tăng trưởng trong quý II, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho rằng, cần phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh như đẩy mạnh thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống trước đây.

Đối với doanh nghiệp chế biến gỗ cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu gỗ trong nước. Đối với doanh nghiệp bất động sản cần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp, ông Nhân kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, đẩy mạnh giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Tập trung vốn vay cho sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vốn vay sản xuất kinh doanh.

Một kênh nữa góp phần tạo động lực cho tăng trưởng là phải khẩn trương thi công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt mục tiêu đề ra.

Về phía các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương đa phần kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương tháo gỡ vấn đề liên quan đến thẩm định phòng cháy, chữa cháy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời vào các khu công nghiệp phía Bắc; ổn định thị trường lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay...

Về chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

Vốn tín dụng sẽ được cấp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu công nghiệp. Ngân hàng sẽ cho vay đối với các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các sở, ngành của tỉnh rà soát, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để phối hợp tháo gỡ.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phê duyệt các dự án chuyển đổi số liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, an sinh xã hội, y tế, giáo dục... để giải ngân đúng quy định.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bình Dương sẽ đề xuất, kiến nghị Trung ương có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc thẩm định phòng cháy, chữa cháy cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp phù hợp với sản xuất kinh doanh của ngành mình để di dời cơ sở sản xuất nằm xen cài trong các khu dân cư.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục