Tại tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19” vừa diễn ra sáng nay, 18/8, ông Nguyễn Trường Giang, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, dịch bệnh đang diễn ra phức tạp ở tỉnh Bình Dương hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bình Dương hiện cũng là địa phương có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao thứ 2 sau TP.HCM với con số tới ngày 17/8/2021 là gần 50.000 ca nhiễm trên 2,5 triệu dân. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn rất khó để đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”hay “1 cung đường 2 điểm đến” để tiếp tục duy trì sản xuất.
Thống kê của Cục Hải quan Bình Dương về số lượng tờ khai hải quan trong 1 tháng từ ngày 15/7/2021 đến ngày 15/8/2021 cho thấy đã có sụt giảm nghiêm trọng so với thời điểm từ ngày 15/6/2021 đến ngày 15/7/2021 khi lên tới 42%, kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm trên 32%.
Vẫn theo ông Giang, hàng năm có trên 6.000 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Bình Dương, trong đó có trên 2.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động. Tuy nhiên theo thống kê của Cục Hải quan Bình Dương thì đã có trên 600 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên phải ngừng hoạt động trong dịp này.
Tìm hiểu của Cục Hải quan Bình Dương cũng cho thấy, ngoài việc khó khăn không đáp ứng được các yêu cầu để duy trì sản xuất như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” thì nhiều doanh nghiệp có lượng F0 lớn, chi phí xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên tăng mạnh, phải lo cả sinh hoạt cho nhân viên khi thực hiện 3 tại chỗ cũng khiến doanh nghiệp không kham nổi sự gia tăng của chi phí.
Cũng có tình trạng doanh nghiệp có nhiều F0 nên khó nhận hàng, chưa kể có sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gây ứ đọng hàng hoá tại một số cảng lớn ở Mỹ và Trung Quốc
Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cũng lo ngại thời gian sắp tới, khi doanh nghiệp có thể quay lại sản xuất thì chi phí lưu container và kho bãi sẽ bị đội lên lớn.
Cục Hải quan Đồng Nai, nơi đang làm thủ tục hải quan cho khoảng 4.000 doanh nghiệp tại tỉnh Đồng nai và 300 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Thuận cũng đang chứng kiến sự giảm mạnh của các doanh nghiệp tới làm thủ tục hải quan.
Theo lãnh đạo cục Hải Quan Đồng Nai cho hay, hiện chỉ có khoảng 1.200 doanh nghiệp thực hiện sản xuất với phương châm “3 tại chỗ”. Tuy nhiên ngay cả các doanh nghiệp “3 tại chỗ” này cũng sản xuất rất cầm chừng, chỉ khoảng 20-30% doanh số so với khi bình thường.
Điều này nếu kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ thua lỗ và các hợp đồng của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn.
“Doanh nghiệp lo nhất là đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và mất hợp đồng. Nếu mà mất hợp đồng thì dẫn tới phá sản sau dịch. Bởi vậy, cơ quan Hải quan cũng kiến nghị có nhiều vaccine nhất cho các doanh nghiệp để tiêm cho chuyên gia, người lao động thì mới đi nhanh và mạnh trở lại được”, ông Nguyễn Dương Hoài, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai nhận xét.