Bình Định phê duyệt gần 500 triệu đồng đánh giá tình trạng sạt lở sông Hà Thanh

0:00 / 0:00
0:00
Đề án Đánh giá tổng thể tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh hướng đến mục tiêu chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong lưu vực sông.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt dự toán kinh phí khảo sát, lập Đề án Đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh với số tiền hơn 499 triệu đồng.

Theo ông Chương, lâu nay, tình hình sạt lở và cấp nước cho sản xuất của sông Hà Thanh còn nhiều bất cập, chưa có đánh giá nên Sở đã có báo cáo UBND tỉnh Bình Định cần lập đề án nghiên cứu tổng quan về tình hình sạt lở, công trình bảo vệ bờ để giải quyết căn cơ, phát triển bền vững. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đánh giá đề xuất của Sở là cần thiết nên đã giao đơn vị thực hiện.

“Sở đã có nhiệm vụ, dự toán, đang trong quá trình tìm đơn vị tư vấn. Dự kiến đến cuối năm 2023 có nội dung”, ông Chương thông tin.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng thừa nhận đây là Đề án khó nhưng Sở vẫn quyết tâm thực hiện và trong quá trình này, Sở cần có sự tham gia của các sở, ngành, chính quyền địa phương.

Theo đề cương nhiệm vụ Đề án Đánh giá tổng thể tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh” được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt ngày 7/6/2023, Đề án hướng đến 3 mục tiêu.

3 mục tiêu gồm điều tra hiện trạng, đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông, suối trên lưu vực sông Hà Thanh; đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở lòng dẫn, ổn định bờ sông một cách bền vững, tính toán tổng lượng bùn cát hàng năm đổ vào sông Hà Thanh theo mùa, xác định vị trí các bãi bồi, trữ lượng khai thác hàng năm hợp lý, cao trình kết thúc khai thác cát; tính toán kinh phí đầu tư và phân kỳ đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đề án do Chi cục Thủy lợi Bình Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) là đại diện chủ đầu tư, thời gian hoàn thành trong năm 2024.

Đề án Đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh có 5 nội dung thực hiện gồm thu thập số liệu; bổ sung đo vẽ địa hình cắt dọc, cắt ngang thủy văn, xác định độ dốc dọc sông Hà Thanh, đo đạc lượng bùn cát chảy qua các mặt cắt; phân tích ảnh dữ liệu vệ tinh để xác định diễn biến đường bờ sông, diễn biến hướng dòng chủ lưu theo thời gian; xây dựng mô hình toán; đánh giá các nguyên nhân chính gây sạt lở bờ; đề xuất các giải pháp thực hiện.

Nội dung các giải pháp thực hiện, về giải pháp cấp bách, UBND tỉnh Bình Định đề cập “tổ chức di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân”.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.

Xác định vị trí các mỏ khai thác và trữ lượng khai thác hợp lý được đề cập là 1 trong 7 giải pháp về lâu dài của Đề án này.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục