Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 406 cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Theo đó, 227 cơ sở nhà, đất được giữ lại tiếp tục sử dụng; 57 cơ sở nhà, đất được điều chuyển (từ không sử dụng hoặc tiếp tục giữ lại sử dụng sang giao cho UBND xã quản lý, sử dụng vào các mục đích); 22 cơ sở nhà, đất được chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý;
Cùng với đó, Bình Định có 99 cơ sở nhà, đất sẽ thu hồi và được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.
Một cơ sở tại số 236, đường Lê Hồng Phong của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao (hiện trạng có 24 hộ dân nguyên là cán bộ, cán bộ đương chức của ngành thể dục thể thao đang ở dưới khán đài sân vận động và trong khuôn viên sân vận động Quy Nhơn) được tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.
Sau khi phê duyệt phương án, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài chính bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2025 đối việc quản lý, sử dụng tài sản công đã giao cho một số đơn vị nhằm chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công.
Đáng chú ý, đối với 8 cơ sở nhà, đất dôi dư là trụ sở làm việc cũ của các đơn vị thuộc quản lý Sở, ngành trong tỉnh Bình Định mà Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn từng đề cập trong bài “Bình Định: Nhiều trụ sở công không sử dụng tại Quy Nhơn chờ xử lý”; UBND tỉnh Bình Định đều có phương án thu hồi để giao cho Trung tâm Phát triển tỉnh để đấu giá theo quy định.
|
Trụ sở số 120 Lê Lợi từng được cho Công ty cổ phần Gia Lai thuê mặt bằng kinh doanh. |
Cụ thể, cơ sở, nhà đất của Trung tâm Phát hành Phim Chiếu bóng cũ tại số 120 Lê Lợi, TP. Quy Nhơn (cùng với số 120 Trần Phú, thị xã An Nhơn) thuộc Sở Văn hóa và Thể thao được phê duyệt phương án mới là thu hồi.
Liên quan đến 2 cơ sở này, vừa qua Thanh tra tỉnh Bình Định chỉ ra Trung tâm Văn hóa tỉnh chưa có phương án thu hồi và xử lý số nợ của nguồn thu dịch vụ là cho thuê mặt bằng, liên doanh liên kết đến ngày 31/12/2023 đối với Công ty cổ phần Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Hoàng Kim Tây Nguyên) với số tiền nợ hơn 1,55 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện trạng cơ sở nhà, đất, số 120 Lê Lợi (diện tích đất 874,5 m2) là 1 ngôi nhà dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng và đã hết thời hạn liên doanh, liên kết từ ngày 1/1/2023.
Trong khi đó, hiện trạng cơ sở nhà, đất số 120 Trần Phú (diện tích đất 1.144 m2) là 1 ngôi nhà đang hoạt động liên doanh liên kết (nhưng đã hết thời hạn từ ngày 1/1/2017). UBND tỉnh Bình Định khẳng định hiện nay cơ sở nhà, đất này vẫn đang được liên doanh, liên kết mà không có văn bản đồng ý cho gia hạn của UBND tỉnh.
8 cơ sở còn lại được thay đổi từ giữ lại tiếp tục sử dụng sang thu hồi để đấu giá.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3 cơ sở gồm trụ sở làm việc cũ của Trung tâm Khuyến công tại TP. Quy Nhơn tại số 127 Lê Hồng Phong và số 238 Trần Hưng Đạo (Ban Quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại); quầy tư vấn và cung ứng giống cây trồng Phù Cát của Trung tâm Giống cây trồng Bình Định.
Sở Công thương có 2 cơ sở tại TP. Quy Nhơn gồm trụ sở làm việc của Trung tâm Xúc tiến thương mại cũ (số 93 Phan Bội Châu) và Trụ sở làm việc của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũ (731 Trần Hưng Đạo).
Sở Tư pháp có 2 cơ sở tại TP. Quy Nhơn gồm Văn phòng Sở Tư pháp (119 Lê Lợi) và Trung tâm Trợ giúp pháp lý (715 Trần Hưng Đạo). Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh có 1 trụ sở làm việc cũ tại số 472 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hình thức thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đấu giá đối với cơ sở nhà, đất dôi dư có mục đích sử dụng đất mới là đất ở, đất thương mại dịch vụ… Mục đích là để tăng hiệu quả sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng lãng phí.