Chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực “giải bài toán” chống ngập cho Quy Nhơn, nhưng có vẻ vẫn chậm hơn một bước so với tốc độ phát triển của các đô thị mới.
Những dự án “thắt cổ chai” ở hạ du sông Hà Thanh
Từ đường Điện Biên Phủ (TP. Quy Nhơn) đi theo Quốc lộ 19 mới (thuộc phường Nhơn Bình), hai bên đường dày đặc những tấm biển lớn giới thiệu dự án chung cư, đất nền, biệt thự, nhà liền kề… Phía sau những tấm biển này, xe ben, xe tải ngược xuôi chở xà bần, đất đá đến đổ, san lấp để tạo mặt bằng cho các dự án. Không khí bụi mù, đặc quánh. Ở đây, nhiều khu vực trước kia là đồng ruộng, nay đã được giải tỏa, chuyển đổi sang làm đô thị, công trình, bến bãi.
Tương tự, dọc đường Võ Nguyên Giáp (thuộc phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn), các dự án khu đô thị của An Phú Thịnh và Ecobay cũng đang san lấp, tạo mặt bằng. Dự án Ecobay gần như san phẳng hàng trăm héc-ta cây rừng ngập mặn. Nhiều đoạn, chủ đầu tư nâng mặt bằng lên cao, tạo vành đai cản trở dòng chảy từ nhánh sông Hà Thanh đổ vào đầm Thị Nại. Thậm chí, tại nhánh sông Hà Thanh 3 và 4, có nhiều vị trí bị doanh nghiệp phong tỏa, chặn dòng để thi công.
Ngược về phía Bắc TP. Quy Nhơn (các phường Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú và một phần huyện Tuy Phước, Bình Định), có 3 dự án đang trong giai đoạn thi công, quy mô gần 350 ha, gồm: Khu đô thị mới An Phú Thịnh (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh), Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thị Nại Eco Bay), Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh (chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Hiệp). Các dự án này nằm ở hạ du 5 nhánh sông Hà Thanh - vốn là dòng thoát lũ tự nhiên quan trọng nhất của TP. Quy Nhơn, khiến hệ sinh thái tự nhiên ở đây bị “méo mó”.
Câu hỏi đặt ra là: “Có hay không tình trạng các dự án đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng phía hạ nguồn các sông đã tạo ra nút thắt cổ chai khiến TP. Quy Nhơn thường xuyên xảy ra ngập lụt nặng, gây nhiều thiệt hại trong thời gian qua?”.
Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn, ông Ngô Hoàng Nam cho biết, tình trạng ngập lụt tại TP. Quy Nhơn không hẳn do phát triển đô thị. Theo ông Nam, sông Hà Thanh có 5 cửa sông, chảy qua các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Đống Đa rồi đổ ra đầm Thị Nại. Tác động nặng nhất hiện nay là nhánh sông chính đang bị bồi lấp, dòng chảy hẹp lại, nên gây ngập lụt diện rộng tại các khu dân cư phía Tây - Bắc.
Trái ngược với lý giải của ông Nam, đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho rằng: “Trong quá trình phát triển một số phân khu, dự án đô thị phía Bắc Quy Nhơn, địa phương chưa thực sự quan tâm đến hạ tầng thoát lũ tự nhiên của các nhánh sông Hà Thanh. Hạ tầng đô thị san lấp cao, trong khi lòng sông thì đang bồi lấp, không đúng với quy luật thoát lũ trước kia. Sau này, nếu nạo vét, khơi thông các nhánh sông Hà Thanh, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đô thị, công trình, dự án liền kề”.
Đồng quan điểm, ông Đào Quý Tiêu, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng chỉ rõ, trong vài năm trở lại đây, khu dân cư, đô thị ở phía Tây - Bắc TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận đang ngày càng mở rộng, nhưng chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông nâng cao tạo thành “đê” cản trở các dòng thoát lũ tự nhiên, phần nào tạo ra áp lực lũ lớn, gây ngập lụt khu dân cư ở thượng lưu sông Hà Thanh.
“Bẻ ghi” phương án chống ngập
Theo dõi quá trình phát triển đô thị nhiều năm qua tại Bình Định, ông Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ (tại TP. Quy Nhơn) cho biết, hệ thống thoát lũ TP. Quy Nhơn trước đây được kết nối từ hồ chứa điều hòa Phú Hòa với 5 nhánh sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại, chia cắt lũ tự nhiên, hợp lý mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về hạ du Bình Định theo 2 sông chính là hệ thống sông Kon - Hà Thanh. Tuy nhiên, khi Bình Định phát triển Dự án Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa, nhiều diện tích hồ đã bị san lấp làm mặt bằng dự án, những nhánh sông này đã bị lấp phẳng hoặc bị lấn chiếm nên biến dạng, khiến nước chảy về hạ du không có đường thoát, gây ngập lụt diện rộng ở Quy Nhơn và các huyện, thị xã lân cận.
Để thực hiện tiêu thoát lũ cho TP. Quy Nhơn, từ nhiều năm trước, trong Chương trình Phát triển đô thị phía Tây - Bắc Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã lồng ghép một “đại dự án” Tiêu thoát lũ tổng thể từ hồ Phú Hòa kết nối với 5 nhánh sông Hà Thanh, với tổng vốn 3.006 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 90%, ngân sách địa phương là 10%.
Dự án do Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2020.
Sau khi triển khai được 2 năm, tiêu tốn khoảng 200 tỷ đồng, đến năm 2017, Dự án dừng thực hiện.
Lý giải về việc dừng dự án này, ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, trước đây, Bình Định muốn đầu tư tổng thể một lần để giải bài toán chống ngập lụt cho TP. Quy Nhơn và các huyện, thị xã lân cận. Tuy nhiên, quá trình đầu tư đã nảy sinh nhiều bất cập, nên tỉnh buộc phải dừng Dự án và đánh giá lại phương án đầu tư.
“Đầu tư quy mô cùng lúc các hạng mục dự án vừa thiếu kinh phí, vừa khó đánh giá hiệu quả đầu tư, trong khi thời tiết biến đổi cực đoan. Vì vậy, Bình Định đã chuyển phương án đầu tư dự án tiêu thoát lũ sông Hà Thanh và TP. Quy Nhơn sang đầu tư từng dự án cụ thể với kinh phí đầu tư ở mức độ cho phép và an toàn”, ông Phương giải thích.
Vậy là, bài toán chống ngập lụt, tiêu thoát úng cho TP. Quy Nhơn và các địa phương lân cận quay trở lại vạch xuất phát sau 6 năm kể từ khi khởi động Dự án Tiêu thoát lũ tổng thể từ hồ Phú Hòa kết nối với 5 nhánh sông Hà Thanh.
Được biết, ngày 26/7/2021 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn đối với Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, TP. Quy Nhơn.
Đây là dự án mở đầu được bóc tách ra từ “đại dự án” tiêu thoát lũ 3.006 tỷ đồng nói trên của kế hoạch “chậm mà chắc, đi từng bước một, vừa đầu tư, vừa đánh giá hiệu quả, vừa rút kinh nghiệm” của Bình Định. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông điểm nghẽn dòng chảy thoát lũ, chống lấn chiếm, xả thải xuống lòng sông để cải tạo môi trường, sinh thái ở sông Dinh.
Điểm khó khăn nhất trong việc triển khai dự án này, theo lãnh đạo TP. Quy Nhơn, là có rất nhiều hộ dân lấn chiếm đất xây dựng nhà ở và các công trình. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa sẽ phức tạp và mất khá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, với quyết tâm khơi thông sông Dinh, từng bước chống ngập cho TP. Quy Nhơn, bảo vệ thành quả thu hút đầu tư của các dự án phía hạ nguồn sông Hà Thanh, lãnh đạo tỉnh Bình Định bày tỏ quyết tâm và đang chỉ đạo rất quyết liệt.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “UBND TP. Quy Nhơn không để người dân lấn đất xây dựng công trình, làm hẹp dòng sông. Yêu cầu chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dọc sông Dinh. Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định điều chỉnh và hoàn thiện Dự án để thực hiện trong năm 2021”.
Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, TP. Quy Nhơn có tổng vốn đầu tư 295 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2024. Với dự án này, Bình Định đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ thống tiêu thoát lũ cho sông Dinh, giải quyết tình trạng ngập lụt, bảo vệ hàng ngàn hộ dân ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú… của TP. Quy Nhơn.
Cụ thể, Dự án sẽ thực hiện mở rộng và nạo vét đáy sông dài gần 3 km, xây dựng đê, kè gia cố bờ sông, kết hợp làm đường giao thông toàn tuyến từ ngã ba đầu sông đến tràn Quy Nhơn 1, tổng chiều dài 2 bờ xây dựng là gần 6,2 km; mở rộng khẩu độ cầu Chợ Dinh trên tuyến Quốc lộ 19 cũ để đảm bảo khả năng thoát lũ; xây dựng hệ thống thoát nước mặt.