Bình Định: 31 dự án sản xuất công nghiệp đang giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
Trong 31 dự án sản xuất công nghiệp đang thực hiện, Bình Định có hơn nửa số dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được duyệt và chủ đầu tư đã ứng tiền chi trả.
Sau khi được trao quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 23/12/2023, Dự án của Công ty cổ phần Thương mại Bảo Đạt Thành hiện đang lập hồ sơ giải phóng mặt bằng. Sau khi được trao quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 23/12/2023, Dự án của Công ty cổ phần Thương mại Bảo Đạt Thành hiện đang lập hồ sơ giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 dự án sản xuất công nghiệp đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, huyện Tây Sơn có 25 dự án, TP. Quy Nhơn có 2 dự án; các địa phương gồm thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát đều có 1 dự án.

Về tiến độ các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, tính đến ngày 13/6, 16 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và phương án bồi thường, GPMB, chủ đầu tư đã ứng tiền công tác bồi thường, GPMB; 11 dự án mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 (9 tại huyện Tây Sơn); 2 dự án mới được phê duyệt phương án bồi thường, GPMB (huyện Tây Sơn và Phù Mỹ); 2 dự án nhà đầu tư chưa ứng tiền bồi thường, GPMB (tại huyện Tây Sơn).

Như vậy, đa số các dự án chưa thực hiện bồi thường, GPMB đều nằm tại huyện Tây Sơn. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND huyện Tây Sơn nhanh chóng hoàn thành GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Trong số các dự án trên, Dự án Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central do Công ty cổ phần Tekcom Central làm chủ đầu tư là có tổng vốn đầu tư lớn nhất với 980 tỷ đồng (diện tích 12,2 ha).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định thông tin, Dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phương án bồi thường, GPMB được duyệt và chủ đầu tư đã đã ứng tiền thực hiện. Công ty cổ phần Tekcom Central đang thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với diện tích 10,93 ha để thực hiện thủ tục thuê đất; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi đất rừng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đủ cơ sở báo cáo UBND tỉnh để HĐND tỉnh xem xét thông qua.

“Nhà đầu tư kiến nghị được tạo điều kiện để sớm hoàn thành thủ tục: thuê đất, phê duyệt đánh giá ĐTM, cấp phép xây dựng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Liên quan đến 31 dự án trên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB đối với các dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chủ động, phối hợp các sở, ban, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 6 này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, năm 2024, trên địa bàn tỉnh dự kiến có 64 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động; song trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Định mới có 17 dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trong đó, một số dự án trọng điểm đã đi vào hoạt động trong thời gian qua như Nhà máy sản xuất gạch ngói của Công ty cổ phần Takao Bình Định; Nhà máy thuỷ điện Nước Lương của Công ty cổ phần Thủy điện Nước Lương; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Wood Pellet) Nguyệt Anh của Công ty cổ phần Nguyệt Anh...

UBND tỉnh Bình Định khẳng định, địa phương luôn tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai trên địa bàn tỉnh cũng như tổ chức gặp gỡ làm việc, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu…

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục