Bình chọn 2011, những điều đọng lại

(ĐTCK-online) Năm nay, công tác chấm sơ khảo BCTN 2010 của Sở GDCK Hà Nội (HNX) bắt đầu từ tháng 5/2011 với việc xem xét 268 báo cáo của các tổ chức niêm yết đến thời điểm này (các BCTN nộp muộn hoặc chưa hoàn thành bị loại khỏi vòng sơ khảo). Việc chấm điểm được triển khai đến từng chi tiết nhỏ theo chuẩn lập báo cáo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC. Mặc dù cơ cấu điểm năm nay tính 75 điểm cho phần nội dung và 25 điểm cho phần hình thức, thiết kế, song vòng chấm sơ khảo chỉ tập trung xét điểm nội dung.
Bình chọn 2011, những điều đọng lại

>> Ara 2011

Nhìn chung, các DN đã có cố gắng nhất định trong việc lập báo cáo cả về nội dung và thời gian công bố. Tuy vậy, nhiều DN vẫn chỉ xem đây là nghĩa vụ thực hiện chứ chưa có sự đầu tư thích đáng. Vẫn còn nhiều báo cáo trình bày sơ sài về nội dung và hình thức, không được đóng bìa, đóng quyển cẩn thận và  chỉ gói gọn trong khoảng 10 - 15 trang, cá biệt có một số báo cáo chỉ vẻn vẹn 3 trang A4.

Đối với các thông tin tài chính, về cơ bản, 85% số báo cáo đã có đánh giá, phân tích tình hình tài chính như cân đối nguồn vốn, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời ROE, ROA, tình hình thực hiện so với kế hoạch. Tuy nhiên, các đánh giá, phân tích này thường thiếu chi tiết và bỏ sót nhiều nội dung quan trọng, nhất là biến động lớn so với dự kiến, chính sách quản lý vốn, các biện pháp quản lý rủi ro tài chính, thay đổi nợ vay, tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành. Người đọc chỉ có thể tìm thông tin này ở một số ít báo cáo, do các công ty thường né tránh những điều bất lợi hoặc không muốn công khai chi tiết. Về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, 80% báo cáo có đề cập đến tình hình thực hiện so với kế hoạch, song chỉ có khoảng 30% có các bình luận chi tiết về các thông số quan trọng và 10% có so sánh kết quả đạt được với các DN khác trong cùng ngành hoặc phân tích với các hệ số phù hợp của ngành. Đối với nội dung về kiểm toán, các công ty đều công khai ý kiến kiểm toán, nhưng chỉ có vài trường hợp có giải thích hợp lý về các vấn đề mà kiểm toán viên lưu ý/hạn chế/ngoại trừ, cũng như biện pháp giải quyết các vấn đề đó. Các tồn tại này khiến bức tranh tài chính càng thêm khó hình dung, nhất là đối với những người đọc không hiểu biết chuyên sâu về tình hình tài chính cũng như lĩnh vực hoạt động của DN.

Bình chọn 2011, những điều đọng lại ảnh 1

Cuộc bình chọn có mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích, tôn vinh sự minh bạch trên TTCK, động viên và hỗ trợ các DN niêm yết làm tốt BCTN hàng năm

Đối với các nội dung phi tài chính, hầu hết báo cáo đều làm tốt công tác giới thiệu về DN, từ lịch sử hoạt động, mục tiêu chiến lược ngắn và trung hạn đến cơ cấu tổ chức, số lượng công nhân viên và chính sách đối với người lao động. Các thống kê về thay đổi nhân sự chủ chốt, cơ cấu sở hữu, tỷ lệ sở hữu cổ phần và những thay đổi trong tỷ lệ nắm giữ của các thành viên ban điều hành, HĐQT, ban kiểm soát… có tiến bộ hơn so với năm ngoái với 74% báo cáo đều nêu khá đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, vẫn như năm ngoái, vấn đề thù lao của ban điều hành, HĐQT, ban kiểm soát nếu có thì cũng chỉ được đề cập chung chung và thường chỉ có tổng mức thù lao theo tháng/năm, mà không nêu đầy đủ chính sách đãi ngộ đối với thành viên đó. Giao dịch với các bên có liên quan chỉ được tìm thấy trong các thuyết minh báo cáo tài chính và hoàn toàn thiếu vắng các diễn giải chi tiết.

Đối với mục thông tin về hoạt động của ban kiểm soát và HĐQT trong năm, 70% báo cáo có trình bày, mặc dù vậy rất ít báo cáo nêu cụ thể về hoạt động, nội dung các cuộc họp, các quyết sách đã thực hiện trong năm. Các đánh giá hoạt động này nếu có thì cũng ở mức sơ sài, hàm chứa rất ít thông tin, không thể giúp người đọc hình dung nhiều về các vấn đề mà HĐQT, ban kiểm soát cần phải khắc phục, hoàn thiện để thực thi tốt hơn nhiệm vụ trong năm tiếp theo. Các báo cáo dường như "bỏ quên" các đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát cũng như từng thành viên Ban điều hành, ban kiểm soát, HĐQT, hoạt động đối ngoại với các nhà đầu tư, vốn là những thông tin rất được công chúng đầu tư mong đợi. Các biện pháp tăng cường quản trị cũng chỉ được tìm thấy ở 23,8% số báo cáo với những biện pháp được đưa ra chủ yếu như nâng cao năng lực quản lý và nghiệp vụ, tăng cường đào tạo quản trị công ty đối với các nhân sự chủ chốt…

Để chuẩn bị tốt nội dung, các công ty phải có sự chuẩn bị kỹ càng đối với thông tin cần thiết để lập báo cáo. Việc xây dựng và thực hiện quy trình quản lý và công bố thông tin chặt chẽ và nghiêm túc sẽ làm giảm đáng kể thời gian thu thập dữ liệu. Ngoài ra, các công ty cũng cần hình thành các bộ tiêu chí chuẩn phản ánh được tính đặc thù để đánh giá, phân tích tình hình tài chính và hoạt động của DN. Đồng thời, các nội dung cũng phải được thể hiện đầy đủ, gần gũi với người đọc và nêu bật được sự thay đổi, tình hình hoạt động qua ít nhất là 2 kỳ so sánh để thấy được khó khăn, triển vọng và xu hướng phát triển của DN.

Ngoài việc hoàn thiện nội dung, các DN cần chú trọng hơn đến hình thức thể hiện thông tin sao cho hiệu quả, sáng tạo và có dấu ấn riêng. Việc sử dụng một cách hợp lý đồ thị, biểu đồ, hình ảnh minh họa sẽ làm cho báo cáo thêm phần sinh động, tăng khả năng truyền tải thông tin và hấp dẫn người đọc. Và hơn hết, công tác lập báo cáo chỉ có thể ngày càng hoàn thiện khi các DN chú trọng và thực sự coi BCTN là nhịp cầu nối giữa DN và công chúng đầu tư.

Sở GDCK Hà Nội
Sở GDCK Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ