BII: Những dấu hỏi từ thị trường

(ĐTCK) Cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư đang gây chú ý với 13 phiên giảm sàn liên tục tính đến cuối tuần qua, với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Thị trường đang đặt ra nhiều dấu hỏi với doanh nghiệp.
BII: Những dấu hỏi từ thị trường

BII không phải là cổ phiếu lâu năm trên thị trường, chỉ mới giao dịch lần đầu vào ngày 22/9/2014 trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu 12.000 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BII đạt 13.800 đồng/CP.

Từ khi lên niêm yết đến cuối năm 2014, cổ phiếu này giao dịch không quá biến động. Trong năm 2015, cũng có thời điểm thị giá cổ phiếu mất tới gần 50%, nhưng từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 8, cổ phiếu BII tăng không ngừng nghỉ. Từ mức 9.800 đồng/CP, thị giá cổ phiếu BII tăng lên 22.500 đồng/CP, đạt giá cao nhất 22.800 đồng/CP trong phiên 22/8. Khối lượng giao dịch bình quân đạt mức hơn 470.000 đơn vị/phiên.

Sau thời gian duy trì mức giá 2x trong khoảng nửa đầu tháng 9, với khối lượng giao dịch theo xu hướng giảm về hơn 300.000 đơn vị/phiên, cổ phiếu BII bắt đầu sụt giảm rất mạnh về khối lượng giao dịch, trung bình chỉ vài chục ngàn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Từ đầu tháng 10 đến nay, BII chỉ còn khớp vài trăm cổ phiếu, dư bán sàn lên đến hàng chục triệu cổ phiếu. Tính đến 14/10/2016, cổ phiếu BII đã có 13 phiên liên tục dư bán sàn. Từ mức giá tham chiếu trong phiên 29/9 là 21.000 đồng/CP, xuống chỉ còn 6.300 đồng/CP trong phiên giao dịch 14/10, bốc hơi hơn 72% thị giá.

Mới đây, lãnh đạo BII đã có công văn giải trình về 5 phiên giảm điểm liên tiếp. Theo đó, mọi hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường và việc giảm giá cổ phiếu là do cung – cầu thị trường, Công ty không kiểm soát được.  

Vậy điều gì đang xảy ra với cổ phiếu BII? Nhìn sâu vào diễn biến hoạt động của BII, có nhiều vấn đề mà giới đầu tư đang đặt ra với doanh nghiệp này. Thứ nhất, đó là việc tăng vốn thần tốc và mối quan hệ đặc biệt với cổ đông – CTCP Khoáng sản Bình Thuận (mã KSA).

Từ mức vốn điều lệ 150 tỷ đồng trong năm 2012, BII đã tăng vốn lên 228 tỷ đồng trong năm 2013 và trước thời điểm lên niêm yết vào tháng 10/2014, BII có vốn điều lệ là 328 tỷ đồng. Trong năm 2015, Công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn lên gần 577 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu. Kế hoạch này thất bại khi có tới hơn 99% số cổ phần chào bán bị ế, nhưng bất ngờ là sau đó Công ty tiến hành phân phối thành công toàn bộ số cổ phần này cho 12 nhà đầu tư. Sau đợt phát hành này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT BII sở hữu 15,55% vốn và Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Thụy cũng do ông Dũng là Chủ tịch HĐTV nắm 8,67% vốn. Điểm trùng hợp là, trong giai đoạn này, cổ đông lớn của BII là KSA nắm giữ 27,98% từ quý I/2015 đã thoái sạch vốn vào đầu tháng 11/2015. Ông Dũng cũng chính là người đại diện phần vốn của KSA tại BII.

Giai đoạn quý I/2016, Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Thụy đã bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu BII đã mua trong đợt phát hành trên.

Cũng cần nhắc thêm là, KSA là doanh nghiệp khoáng sản có “lịch sử” tăng vốn khá kỳ lạ từ năm 2013 đến nay, khi mức giá chào bán luôn cao hơn thị giá và sau mỗi lần phát hành “ế”, sẽ có những nhà đầu tư cá nhân/tổ chức “chịu” đứng ra mua cổ phần nhằm đảm bảo kết quả phát hành được “mỹ mãn”. Thêm vào đó là sự thay đổi nhân sự với mật độ khá dày của công ty này.

Năm 2016, BII có kế hoạch tăng vốn gần gấp đôi, lên 1.130,6 tỷ đồng thông qua việc phát hành 250.000 trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu; phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,7 và phát hành 15 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược (dự kiến là Công ty TNHH Ngôi sao Xanh). Giá phát hành ở mức 10.000 đồng/CP. Với diễn biến giao dịch của cổ phiếu BII trên sàn hiện tại, không khó để dự đoán, kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu của BII sẽ bất thành. Vậy, lãnh đạo BII sẽ giải quyết bài toán tăng vốn thế nào? Liệu câu chuyện phân phối số cổ phần ế cho nhóm cổ đông có lặp lại?

Vấn đề thứ hai mà giới đầu tư quan tâm với BII là dù tăng vốn với tốc độ nhanh, nhưng hiệu quả kinh doanh lại đi lùi.

Năm 2014, năm lên niêm yết, BII báo lãi hơn 33,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2 năm trước khi lên sàn là 7,7 tỷ đồng (2012) và 14 tỷ đồng (2013). Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty lại âm gần 68 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn tăng đột biến từ 464 triệu đồng lên gần trăm tỷ đồng.

Sang năm 2015, lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh, chỉ còn 10,3 tỷ đồng. Trong năm này, khoản phải thu của Công ty là 314 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 310 tỷ đồng so với đầu năm. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 138 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ hiện tại gần 577 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay, Công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận vỏn vẹn 718 triệu đồng.

Hoạt động kém hiệu quả, vì sao BII vẫn liên tục xin tăng vốn? Mối liên quan giữa BII và KSA ra sao? Đó là những câu hỏi mà thị trường đặt ra với BII và cần sự giải trình chi tiết của lãnh đạo Công ty.                               

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục