Big4 giảm lãi vay, các ngân hàng tư nhân vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường đến nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh cũng đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, kéo theo các ngân hàng cổ phần tư nhân vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay, kích cầu dòng chảy tín dụng quý đầu năm 2023.
Big4 giảm lãi vay, các ngân hàng tư nhân vào cuộc

Ngân hàng lớn giảm lãi vay

Agribank vừa công bố giảm tối đa 3%/năm lãi suất cho khách vay kinh doanh bất động sản. Chương trình áp dụng cho khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19 hoặc ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Agribank cho biết, dự kiến trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Trước đó, trong năm 2022, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.

Trước đó, Vietcombank (VCB) cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra sáng 17/2, Tổng giám đốc VCB Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong thời gian tới, 4 ngân hàng nhà nước sẽ tích cực đồng hành để triển khai gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi thuộc phân khúc bình dân.

Tại tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại ngân hàng tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB. Vị này khẳng định, phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Về định hướng tín dụng đối với tiểu ngành bất động sản này, Vietcombank định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn. Đối với bất động sản là đất ở, nhà ở, tại VCB hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch,... VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc bất động sản đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân. Về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại nhà băng luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực bất động sản ổn định, trong khả năng kiểm soát.

Trong khi đó, thời gian áp dụng đến hết 30/04/2023, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Khối cổ phần tư nhân vào cuộc

Không chỉ với 4 ngân hàng quốc doanh mà khối cổ phần tư nhân (cả nhà băng lớn và nhỏ) cũng bắt đầu vào cuộc đua giảm lãi vay. Techcombank triển khai gói 30.000 tỷ ưu đãi lãi suất 2% cho doanh nghiệp.

Bên cạnh gói 30.000 tỷ được công bố, Techcombank đã hợp tác cùng MISA xây dựng giải pháp hỗ trợ vay vốn tín chấp thông qua nền tảng kết nối MISA Lending - nâng cao khả năng tiếp cận vốn với chi phí hợp lý cho 90% doanh nghiệp SME.

Sacombank vừa thông báo triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc. Khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm.

Đồng thời, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu. Trước đó, ngân hàng này thông báo từ nay đến hết ngày 30/6/2023 triển khai chương trình cho vay mua ô tô, lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm dành cho nhiều khách hàng với thời gian vay kéo dài đến 10 năm, đây là mức lãi suất thấp cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Hay gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay tối đa 1% vừa được SeABank chủ động triển khai nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp cũng sẽ được giảm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng.

Nam A Bank vừa công bố huy động thành công 20 triệu USD, tương đương 471,7 tỷ đồng từ BlueOrchard - một tổ chức quản lý quỹ đầu tư tác động toàn cầu hàng đầu, nhằm mở rộng danh mục cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo Nam A Bank, nguồn vốn trên chủ yếu tập trung cho vay xuất khẩu, lãi suất vay bằng USD ở mức ưu đãi dao động từ 4-5%/năm.

Năm 2023, LienVietPostBank triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với sản phẩm đa dạng như chuyển tiền đi/đến, nhờ thu, L/C… đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu SMEs.

Tại OCB cũng dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8 -12%/năm với doanh nghiệp. Trong năm 2023, Ngân hàng có mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ngân hàng Bản Việt mới đây đã đưa ra chương trình cho vay “Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi” với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất cực ưu đãi chỉ từ 10,5%/năm. Gói vay với hạn mức 1.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng vay vốn từ ngày 01/2/2023 đến 30/4/2023 (hoặc đến khi chương trình hết hạn mức).

Từ ngày 10/2/2023 MB triển khai chương trình giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng Biz MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/ năm…

Theo S&P Global, tình trạng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng mới và nhân viên tiếp tục giảm, trong khi ở khía cạnh tích cực, các đơn hàng xuất khẩu mới đã dần dần quay trở lại sau ba tháng. Vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn để tăng cường cho sản xuất kinh doanh năm 2023 và cần thiết giảm áp lực lãi vay.

Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm dần về mức tối đa 9,5%/năm ở những nhà băng nhỏ và big 4 ngân hàng lớn điều chỉnh xuống mức cao nhất còn 8,7%/năm. Đây được xem là điều kiện tích cực để các ngân hàng giảm dần lãi cho vay.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục