Tuần giao dịch thứ 2 của tháng 3 là tuần giao dịch mà các hệ tư tưởng “tăng điểm”, “điều chỉnh”, “mô hình 2 đỉnh đảo chiều” gây nhiều sự chú ý nhất đối với giới đầu tư.
Các nhà đầu tư mới tham gia trên thị trường chứng khoán luôn cần những chuyên gia có kinh nghiệm để dựa vào người mà họ cần tư vấn mỗi khi VN-Index vận động theo diễn biến khó lường.
Vô hình trung đại bộ phận nhà đầu tư luôn cảm thấy khó hiểu tại sao lại thị trường chứng khoán rất tích cực trong 1 thời điểm rồi sau đó các nhà đầu tư lại tự nhiên trở nên bi quan hơn và cuối cùng các nhà đầu tư lại chịu nhiều thiệt hại nhiều hơn khi tâm lý dễ dao động, ít kinh nghiệm và chưa có chiến lược đầu tư đúng đắn.
Đã có thời điểm trong tháng 1/2021, nhiều người trong chúng ta đều dự báo về cú vượt đỉnh 1. 200 điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi thị trường điều chỉnh sâu về vùng 1.000 điểm.
Mức giảm sâu dưới 900 điểm đã không xảy ra khi mà VN-Index lại “lội ngược dòng” để quay trở lại vùng 1.180 - 1.195 điểm và để rồi việc dự báo mô hình “2 đỉnh” lại khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng sợ “bán tháo” cổ phiếu trước khi hy vọng thị trường có khả năng tăng vượt đỉnh trong tuần 3 của tháng 3.
Rõ ràng, tâm lý, cảm xúc của nhà đầu tư luôn chi phối động thái mua/bán cổ phiếu. Giao dịch thiếu cẩn trọng, giao dịch theo cảm tính đã khiến các nhà đầu tư không chỉ phung phí các cơ hội đầu tư mà còn khiến họ chịu những thua lỗ không đáng có nếu họ chỉ cần tuân thủ chiến lược : Mua và “nằm im”.
Chiến lược mua cổ phiếu và không làm gì cả tưởng chừng như dễ làm nhưng là rất khó đối với nhiều người khi hàng ngày nhiều thông tin khiến họ lúc trở nên lạc quan hơn lúc khiến họ bi quan, hoảng sở hơn.
Có nhóm tăng rồi điều chỉnh và thay vào đó một nhóm khác tăng điểm trước khi nhóm tăng điểm đầu tiên lại quay trở lại tăng điểm… Nếu ai không hiểu quy luật của thị trường, tính khí thất thường của thị trường khi mà các chỉ số chứng khoán nhẩy số liên tục sau mỗi 15 phút giao dịch.
Động thái phải theo dõi bảng giá cũng đã gây nghiện nhà đầu tư khi mà phải theo dõi cổ phiếu mình mua biến động như thế nào sau khi mua hay hoàn toàn bị “kích động” trước diễn biến tăng điểm của thị trường trong bối cảnh nhiều mã tăng trần, nhiều cổ phiếu giao dịch với khối lượng giao dịch lớn.
Ngay chính những thời điểm như thế này, giai đoạn mà chỉ số VN-Index ngấp nghé ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, đó là lúc thị trường khó đoán địch hơn trong ngắn hạn. Khó có thể nói là khi nào thị trường sẽ tăng vượt đỉnh hay cổ phiếu gì sẽ tăng mạnh và điều chỉnh như thế nào.
Tất cả điều phải dựa trên suy đoán, nhận định của các nhà đầu tư cá nhân, những người tự chịu trách nhiệm đến khoản đầu tư của mình. Mọi sai lầm đều phải trả giá, mọi sai lầm sẽ được đo bằng tiền vốn mình bỏ ra chứ không phải ai khác. Và chính các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, những người mới tham gia vào thị trường cũng nên lường tới những kịch bản xấu nhất mà mình gặp phải chứ không phải lúc nào cũng hưng phấn, lạc quan.
Nếu VN-Index vượt đỉnh ngay tuần tới hoặc chưa thể vượt qua ngay cũng không phải là điều quan trọng. Nhóm cổ phiếu dầu khí làm mưa làm gió giai đoạn trước rồi đến nhóm cổ phiếu bất đông sản vận động tích cực tuần giao dịch ngày cũng không phải là điều đáng lo ngại nếu chúng ta đang cầm những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác.
Điều quan trọng hơn đó là chúng ta đang chọn cổ phiếu gì với chiến lược và kỳ vọng mức giá thế nào. Cho dù lợi ích của việc giao dịch ngắn hạn mang lại nhưng chiến lược giao dịch an toàn hơn với kỳ vọng thu được lợi nhuận tốt vẫn lại là chiến lược đầu tư với tầm nhìn xa hơn mặc dù việc triển khai kế hoạch mua bán ngắn hạn đôi lúc mang lại hiệu quả.
Nếu không cầm các cổ phiếu ăn khách như ngân hàng, xây dựng, xây dựng BOT, dầu khí, bất động sản, dệt may thì cũng không đáng ngại vì nếu chọn đúng cổ phiếu triển vọng thì trước sau gì các cổ phiếu đó cũng tăng giá và điều mà nhà đầu tư thông thái nên làm đó là kiên nhẫn và đợi thời cơ của mình. Thị trường có vượt đỉnh hay không cũng sẽ không làm chúng ta nản lòng trong việc nắm giữ cổ phiếu triển vọng.