Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam cuối tuần giao dịch vừa qua cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư cần cảnh giác trước những biến động bất ngờ khó lường của thị trường trong tuần giao dịch đầu tháng 5.
VN-Index đã hồi phục 3 phiên liên tiếp với thanh khoản sụt giảm cũng là tín hiệu cần kiểm tra thêm để tránh những kịch bản biến động xấu của thị trường - nỗi lo “bull trap” không phải không có căn cứ nhất là khi vùng 1.240 - 1.250 điểm vẫn là khu vực kháng cự mạnh của thị trường.
Trong tuần giao dịch vừa qua, các nhà đầu tư cũng phần nào tin tưởng về khả năng hồi phục khá chắc của thị trường khi VN-Index tăng điểm nhờ “công gánh team” của nhóm cổ phiếu VN30. Rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ hay nhóm cổ phiếu đầu cơ đã điều chỉnh mạnh và tạo đáy trong khi nhóm VN30 lại phản ứng tích cực hơn.
Chúng ta vẫn không quên rằng, đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ sẽ luôn quan trọng hơn việc thị trường đang đi đâu về đâu. Việc đầu tư không quan tâm đến chỉ số cũng sẽ giúp chúng ta bớt lo lắng hoặc hưng phấn quá mức mỗi khi thị trường điều chỉnh hay hồi phục mạnh.
Việc quản trị danh mục, nắm giữ cổ phiếu ít rủi ro nhất cũng sẽ khiến việc đầu tư dường như dễ dàng hơn so với việc mua đuổi các cổ phiếu giá cao hoặc mua dàn trải nhiều cổ phiếu và có sử dụng đòn bẩy tài chính. Thị trường luôn muốn chúng ta giao dịch thất thường và quá mức - VN-Index/VN30 biến động liên tục luôn báo giá cho chúng ta hàng ngày và việc theo dõi bảng giá liên tục cũng sẽ khiến chúng ta mong muốn mua bán cổ phiếu nhiều hơn với tần suất nhiều hơn.
Số liệu thống kê trên thị trường chứng khoán phát triển cũng như Mỹ, châu Âu hay kể cả Việt Nam đang cho thấy nếu chúng ta càng giao dịch chậm đi, ít ra vào liên tục hơn thì hiệu quả sẽ cao hơn và đâu đó sẽ tránh được những “bẫy giá” mà thị trường luôn khiến chúng ta mắc phải.
Những sai lầm trên thị trường chứng khoán cho dù chúng ta cũng đã lường trước, nhưng sẽ lại luôn khó tránh khỏi bởi đó là tâm lý đám đông và bản năng “nguyên thủy” của các nhà đầu tư. Chúng ta cần phải nhận thức rõ được những hạn chế về khả năng, hạn chế về mức độ hiểu biết cũng như hạn chế về khả năng dự báo thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư thận trọng nhất với mục tiêu sinh lời hợp lý hơn là kỳ vọng mới mức lợi nhuận cao.
Có những lúc thị trường có diễn biến tốt việc mua cổ phiếu cũng dễ dàng và mức sinh lợi cao hơn bình thường nhưng có những thị trường điều chỉnh, giảm điểm thì việc hạn chế giao dịch, chỉ nắm giữ những cổ phiếu được định giá thấp cùng với khả năng nắm giữ lâu đợi thị trường điều chỉnh kết thúc lại là chiến lược tối ưu hơn.
VN-Index hồi phục 3 phiên liên tục nhưng khả năng điều chỉnh vẫn có thể diễn ra ở các phiên đầu tuần tới. Cho dù việc thị trường có thể phản ứng xấu nhưng cũng không phải có nghĩa là bán cổ phiếu bằng mọi giá, bởi chỉ là câu chuyện nắm giữ các cổ phiếu tỷ trọng thế nào cũng như sẵn sàng tâm lý chuẩn bị cho việc thị trường có khả năng điều chỉnh thì cũng sẽ không quá lo lắng.
Nhà đầu tư vẫn hay nhầm lẫn hoặc không biết là nên theo chiến lược nào “Top down” hay “bottom up”? Nên nghiên cứu tình hình vĩ mô, các thông tin hỗ trợ các ngành nghề rồi mới đánh giá các cổ phiếu riêng lẻ hay là ngược lại? Rất kỳ lạ đó là gần như 70 - 80% các nhà đầu tư lại lựa chọn phong cách đầu tiên và bỏ lỡ khá nhiều cơ hội khi không nghiên cứu hết các doanh nghiệp triển vọng, theo đó bỏ lỡ nhiều cơ hội tăng giá mạnh của các cổ phiếu “bị quên lãng”.
Như vậy, diễn biến Covid-19 khó lường thì sao? Thị trường khả năng điều chỉnh ở các phiên giao dịch đầu tuần tới thì sao?
Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục vận động lên và xuống rồi lại đi lên. Quá trình tăng điểm và điều chỉnh dường như là vòng xoáy, chu kỳ diễn biến không dứt và không có hồi kết. Nhiệm vụ của các nhà đầu tư cũng như vậy, giai đoạn điều chỉnh hay tăng điểm vẫn sẽ luôn là hành trình tìm kiếm các cổ phiếu riêng lẻ để đầu tư, những cổ phiếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu tư khắt khe cho dù triển vọng kinh tế, diễn biến thị trường chứng khoán có tệ như thế nào đi nữa.