Một tuần buồn của TTCK Việt Nam khi cả tuần ghi nhận chuỗi phiên điều chỉnh trong bối cảnh toàn thế giới tăng điểm.
VN-Index đã giảm dưới mốc 1.270 - 1.280 điểm nhưng vẫn đứng trên vùng hỗ trợ 1.260 điểm. Các nhà đầu tư có lẽ vẫn lo sợ về một đợt bán tháo trên diện rộng bởi mối lo rủi ro địa chính trị nhưng có lẽ diễn biến “bán tháo” đã không diễn ra, nhà đầu tư vẫn còn nhiều hy vọng về giai đoạn tích lũy của thị trường và cơ hội VN-Index quay lên khu vực 1.270 - 1.280 điểm giai đoạn tuần tới.
Có lẽ các nhà đầu tư vẫn chịu sự chi phối lớn bởi nhận thức, quan điểm trái chiều, trạng thái tâm lý, sự phán đoán, đánh giá về thực trạng nền kinh tế, sự phản ứng với tin tức, tin đồn và hệ quả việc hành động theo những phán đoán có thể đúng hoặc sai sẽ dẫn đến những sai lầm trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Chính sự trải nghiệm của các nhà đầu tư sẽ giúp các nhà đầu tư ứng phó với từng diễn biến xảy ra từ khó lường, bất định cho đến việc có thể dự báo được. Sự sáng suốt trong đầu tư luôn là điều mà các nhà đầu tư vẫn chú ý - những phản ứng mang tính cảm xúc vẫn mang đặc điểm tính cách con người nói chung nhưng để có kế hoạch đầu tư hiệu quả phần lớn trong quá trình đầu tư sẽ lại phải đi ngược với đặc điểm mang tính “con người này”.
Nếu năm nay xu hướng tăng điểm của TTCK là điều mà nhiều nhà đầu tư có thể dự đoán, thì việc dòng tiền sẽ vào nhóm cổ phiếu nào, cổ phiếu nào sẽ ăn khách, diễn biến biến động ngắn hạn của thị trường ra sao lại phụ thuộc vào cảm nhận, sự đánh giá, kinh nghiệm của từng nhà đầu tư. Giữa việc dự báo được và khả năng không thể “đi theo” thị trường liên tục ở những giai đoạn ngắn (ví dụ trong tháng 4 hay tháng 7 vừa qua) mà không phải chịu áp lực về việc liệu chúng ta có bị sai khi TTCK năm nay diễn ra không thuận lợi như kỳ vọng (có tăng điểm nhưng lại “chậm” có nhiều cổ phiếu tăng nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu giảm).
Nếu nhà đầu tư luôn kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán giai đoạn này thì họ cũng đã phải thất vọng vào việc đặt mục tiêu vào nhóm cổ phiếu diễn biến “tệ” hơn nhiều nhóm ngành khác, chí ít là ngân hàng, xây dựng, cảng biển chứ nói gì đến nhóm ngành hóa chất, công nghệ, vận tải biển…
VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng điểm lớn, hướng lên khu vực 1.300 - 1.350 - 1.400 điểm trong năm nay. Những diễn biến xấu của thị trường trong ngắn hạn sẽ không kéo dài hoặc chỉ chậm nhất là đến cuối tháng 7.
TTCK sẽ diễn biến khởi sắc hơn ở giai đoạn tháng 8 và tháng 9 trước khi bứt phá giai đoạn cuối năm. Có lẽ sẽ không phải các nhóm cổ phiếu hóa chất, công nghệ viễn thông, dược phẩm thu hút dòng tiền như giai đoạn vừa qua, mà có thể lại là nhóm cổ phiếu khác như xây dựng và vật liệu, dệt may, logistic, thủy sản, hàng và dịch vụ công nghiệp. Sự kiểm soát tỷ trọng, giải ngân thận trọng đi kèm việc chú ý lựa chọn cổ phiếu tiềm năng nắm giữ sẽ mang lại cho các nhà đầu tư hiệu quả thỏa đáng.
Con sóng lớn chứng khoán sẽ đến nếu không phải cuối năm nay thì có thể là năm 2025. “Chờ đợi là hạnh phúc”, các cơ hội đầu tư lớn sẽ lại đến. Nỗi buồn nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai và tương lai - “Sau cơn mưa trời lại sáng”.