Big C chơi khó doanh nghiệp Việt?

Hàng loạt doanh nghiệp đã kiến nghị nhờ Hiệp hội Doanh nghiệp và Sở Công thương TP.HCM can thiệp, vì Big C tăng mức chiết khấu, khiến hàng của doanh nghiệp Việt không thể bám trụ tại chuỗi siêu thị Big C.     
Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt vào Big C bị tăng chiết khấu một cách vô lý. Ảnh: Đức Thanh Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt vào Big C bị tăng chiết khấu một cách vô lý. Ảnh: Đức Thanh

Đòi hàng loạt chiết khấu vô lý

Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một công ty chuyên sản xuất nước mắm và đồ hộp tại TP.HCM cho biết, từ đầu năm tới nay, siêu thị Big C công bố áp dụng chính sách chiết khấu cao hơn năm trước, kèm hàng chục loại phí khác nhau, đã khiến doanh nghiệp của ông đứng trước nguy cơ phải ngưng đưa hàng vào hệ thống này.

Theo ông Tuấn, mặt hàng của công ty ông đã đưa vào bán tại chuỗi siêu thị Big C được 2 năm nay. Trước đó, mức chiết khấu mà Big C áp dụng chỉ từ 10 - 15%. Nhưng từ đầu năm 2016, thì mức chiết khấu đã tăng lên 20%, thậm chí là 25% từ những khoản phí mới mà Big C đưa ra như phí khuyến mãi cho khách hàng, phí kỷ niệm ngày khai trương, thành lập… Mức chiết khấu quá cao khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận, doanh nghiệp không chịu nổi dẫn tới phải rút hàng ra khỏi siêu thị này.

“Đây là vấn đề đáng báo động với các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ. Không chỉ đòi chiết khấu cao, mà trong việc thanh toán, Big C cũng ép là 30 ngày một lần, khiến doanh nghiệp bí vốn sản xuất, trong khi trước đó, việc thanh toán chỉ trong 15 ngày”, ông Tuấn cho biết.

Ông Hoàng Văn Phúc, tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất thủy sản tươi sống và đông lạnh tại tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, hiện tại, công ty ông đang xem xét có nên tiếp tục đưa hàng vào hệ thống siêu thị Big C nữa hay không, vì mức chiết khấu mà siêu thị này đưa ra với hàng của công ty ông là 17 - 20%, khiến doanh nghiệp không còn lãi.

“Nếu tính mức chiết khấu này, cùng với nguyên liệu, nhân công, máy móc, vận chuyển… thì doanh nghiệp chỉ có lỗ. Từ trước đến nay, doanh nghiệp trong ngành thủy sản có mức lợi nhuận rất bấp bênh vì phụ thuộc vào giá cả thủy sản lên xuống thất thường. Đặc biệt, năm nay tình trạng hạn mặn, rồi thêm thủy sản chết hàng loạt vừa qua khiến giá nguyên liệu tăng cao”, ông Phúc nói.

Các doanh  nghiệp sản xuất đồ nhựa, gia dụng, bánh kẹo, quần áo… cũng đang phản ứng quyết liệt vì mức chiết khấu tăng cao. Ông Ngô Hoàng Tùng, giám đốc một doanh nghiệp bánh kẹo liệt kê các loại phí mà Big C áp dụng gồm có: chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...

“Ngoài chiết khấu và phí hỗ trợ nhà bán lẻ kể trên, doanh nghiệp cung cấp hàng cho Big C còn bị xử ép bởi chính sách tỷ lệ hàng hư hỏng”, ông Tùng bức xúc.

“Sân nhà” bị chiếm

Trước vấn đề Big C tăng mức chiết khấu quá cao, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn kiến nghị tới hệ thống Big C Việt Nam, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Cường, một doanh nghiệp nhỏ sản xuất hàng nhựa cho rằng, Big C nói một đằng làm một nẻo, họ tuyên bố sẽ bán hàng giá rẻ cho người Việt, nhưng lại đưa ra chiết khấu cao khiến giá hàng tăng lên, dẫn đến hàng Việt thiếu cạnh tranh.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản tại TP.HCM nêu quan điểm, việc siêu thị Big C áp chung một giá chiết khấu cho tất cả các mặt hàng là vô lý. Thông thường, tùy nhà cung cấp lớn hay nhỏ, mặt hàng tiêu thụ tốt hay không mà siêu thị đưa ra mức chiết khấu và tỷ lệ tăng hàng năm khác nhau. Trong khi đó, Big C đòi chiết khấu chung các mặt hàng khá cao là vô lý.

“Lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản thấp, chiết khấu 10% là ngưỡng chịu đựng được. Để đối phó với việc chiết khấu cao này, doanh nghiệp của tôi đã không đưa sản phẩm mới vào Big C, ráng cầm cự hết năm nay và chờ xem chính sách của họ có cải thiện không để tiếp tục hợp đồng với Big C, không thì kiếm nhà bán lẻ khác để đưa hàng vào”, vị giám đốc này nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, cách đây hai tháng, Hiệp hội đã phản ánh vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ và đã báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở nhất, đó là từ xưa đến nay, Việt Nam không chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, khiến mạng lưới bán lẻ trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thao túng, để giờ họ tùy tiện áp đặt luật chơi, gây thiệt hại cho doanh nghiệp mình.

Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với Big C để tìm câu trả lời về lý do đòi tăng mức chiết khấu, nhưng phía Big C chưa trả lời.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục