“Biến tướng” kinh doanh dịch vụ tại Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình

(ĐTCK) Mặc dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép liên kết khai thác cơ sở vật chất tạm thời khi Dự án Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình chưa đi vào thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng (với 5 dự án xã hội hóa được phê duyệt), nhưng Ban quản lý Khu liên hợp lại “biến tướng” cho nhiều đơn vị thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi mục đích thể thao, ảnh hưởng đến cảnh quan của quần thể khu liên hợp này.
Trạm trộn bê tông của Công ty Việt Hàn trong ô đất Khu liên hợp thể thao gây nhiều bức xúc cho người dân vì ô nhiễm và tiếng ồn Trạm trộn bê tông của Công ty Việt Hàn trong ô đất Khu liên hợp thể thao gây nhiều bức xúc cho người dân vì ô nhiễm và tiếng ồn

Cho thuê tràn lan

Thực địa hiện trường của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hiện tại, bộ mặt Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG), một trung tâm văn hóa thể thao tầm cỡ quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cảnh nhếch nhác của hàng chục nhà xưởng, kho chứa, xưởng sửa chữa, mua, bán ô tô, trạm trộn bê tông…, kéo theo nỗi lo về vệ sinh môi trường, cháy nổ.

Theo phản ánh của người dân, cuối năm 2016, một quán bán bia hơi rộng hàng ngàn mét vuông đã rầm rộ tổ chức khai trương tại khu vực thuộc dự án khu thể thao trong nhà.

Điều đáng nói, theo sơ đồ vị trí khai thác tạm thời do chính Khu LHTTQG đề xuất trước đó, khu vực này cho thuê làm nhà tập thể hình. Ngoài ra, có 6.000 m2 trong Khu LHTTQG do Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư thương mại Việt Hàn sử dụng nhiều năm nay để làm trạm trộn bê tông, khiến người dân bức xúc vì tiếng ồn, khói, bụi…

“Biến tướng” kinh doanh dịch vụ tại Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình ảnh 1

 Một phần đất của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình được Ban quản lý cho Công ty Gạch ốp lát Viglacera thuê làm tổng kho

Được biết, từ năm 2015, UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần yêu cầu Ban quản lý Khu LHTTQG cung cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Quân, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (thuộc Ban quản lý Khu LHTTQG) cho rằng: “Việc xây dựng không cần giấy phép, vì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 3197/BVHTTDL chấp thuận về chủ trương đề xuất của Khu LHTTQG tiếp tục khai thác tạm thời cơ sở vật chất, quỹ đất hiện có trong khi chờ dự án đầu tư được duyệt. Và chúng tôi đều ký hợp đồng thuê năm một”.

Theo nguồn tin từ Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm, hiện tại, có khoảng hơn 20 nhà xưởng, dịch vụ kinh doanh sai quy định tại Khu liên hợp, cơ quan này đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên để xử lý sai phạm, nhưng mọi việc đâu vẫn hoàn đấy. 

Cần xử lý dứt điểm

Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm, Ban quản lý Khu LHTTQG đã ký hợp đồng với một số đơn vị thuê lại mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình chưa đúng quy hoạch, không có giấy phép theo đúng quy định, không đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Từ năm 2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã có nhiều công văn, biên bản xử lý các công trình xây dựng vi phạm trong Khu LHTTQG. Tuy nhiên hiện tại, việc kinh doanh trái phép ở đây vẫn “mèo lại hoàn mèo”, chưa có hướng giải quyết dứt điểm các tồn tại vi phạm.

Cụ thể, tại quỹ đất chờ dự án đầu tư khu thể thao trong nhà, Ban quản lý Khu LHTTQG chưa thực hiện đúng chỉ đạo theo tinh thần Văn bản số 3197 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Biến tướng” kinh doanh dịch vụ tại Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình ảnh 2

 Một khu đất khác được Ban quản lý Khu liên hợp cho HQ Auto thuê

Theo đó, bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng do Khu LHTTQG thực hiện không có xác nhận, cũng như ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; quy hoạch các khu có chức năng là nhà kho và khu trưng bày sản phẩm thể thao tại vị trí được quy hoạch khu thể thao trong nhà. Qua kiểm tra thực tế xây dựng, thì Ban quản lý đã sử dụng quỹ đất nêu trên để cho thuê kinh doanh bia hơi và dịch vụ ăn uống, phần diện tích khoảng 2.000 m2 đã thi công xong.

Ngoài ra, Khu LHTTQG đã triển khai hàng loạt công trình xây dựng không phép khác như cho Công ty Việt Hàn thuê sản xuất bê tông gây bức xúc cho người dân, kho chứa của Công ty cổ phần Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, Công ty cổ phần Kinh Tây, Gạch men Mikado Thành Đạt, HQ Auto…

Dù chỉ là cho khai thác tạm thời cơ sở vật chất, quỹ đất hiện có ở Khu LHTTQG trong khi chờ dự án đầu tư được duyệt để tránh lãng phí quỹ đất, nhưng cần phải đảm bảo quy hoạch và hài hòa cảnh quan chung.

Vậy nhưng, thời gian qua, Ban quản lý Khu liên hợp đã “biến tướng” các khu đất dành cho việc xây dựng các công trình phục vụ mục đích thể thao thành các nhà hàng, kho bãi tạm bợ, công trình không có giấy phép, ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt cảnh quan đô thị của khu vực, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Do đó, các cơ quan hữu quan cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục