Tại nội dung thông tin sơ bộ đến các cổ đông và nhà đầu tư về tình hình kinh doanh quý III/2020 của Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS, sàn HoSE) mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vicostone cho biết, Covid-19 tuy có gây ảnh hưởng, nhưng Vicostone vẫn đạt được tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất.
Cụ thể, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.499 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 469 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2%.
Sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vicostone trong quý III/2020 đã phần nào bù đắp cho những “hao hụt” mà công ty này đã phải nếm trải trong nửa đầu năm 2020. Trước đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp ngành đá xây dựng này đạt 2.494,7 tỷ đồng, sụt giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế bán niên đạt 560,9 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị tuyệt đối doanh thu thuần quý III đã tăng cao hơn 26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, vừa đủ bù đắp phần sụt giảm của doanh thu thuần nửa đầu năm. Trong khi đó, phần giá trị tuyệt đối của lợi nhuận sau thuế quý III/2020 tăng thêm 49,3 tỷ đồng, mới chỉ bù đắp chưa đến 1/2 so với phần sụt giảm lợi nhuận sau thuế mà công ty này phải gánh chịu trong 6 tháng đầu năm 2020 (109,4 tỷ đồng).
Bên cạnh các con số kinh doanh, hoạt động của Vicostone cũng có nhiều giao dịch với các doanh nghiệp liên quan. Trong đó, các biến số về tài chính khá đa dạng do nhiều khoản vay nợ chưa được phân loại để trích lập dự phòng.
Cuối quý III/2020, Vicostone đã có chủ trương cho công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế vay 30 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo. Thời hạn vay là 18 tháng và mục đích vay chỉ để Công ty Phenikaa Huế bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Được hỗ trợ khá dễ dàng về vấn đề cấp vốn từ công ty mẹ, nhưng sự đóng góp của Công ty Phenikaa Huế cho hoạt động kinh doanh hợp nhất có vẻ khá mờ nhạt.
Ngoài Phenikaa Huế, các công ty liên quan có giao dịch vay nợ với Vicostone còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng hoàng xanh A&A. Chưa kể, Vicostone còn có các quan hệ vay nợ với công ty trong Tập đoàn Phượng hoàng xanh A&A. Tính đến giữa năm 2020, tổng giá trị các khoản phải thu với các doanh nghiệp có liên quan lên đến 1.013,6 tỷ đồng.
Trong nội dung thuyết minh tại báo cáo tài chính bán niên, số dư các khoản phải thu, phải trả các bên liên quan không có tài sản bảo đảm sẽ được thanh toán bằng tiền hoặc cấn trừ công nợ. Công ty và công ty con cũng chưa trích lập bất cứ một khoản dự phòng phải thu khó đòi nào liên quan đến số tiền các bên liên quan còn nợ Công ty và công ty con.
Ngoài các quan hệ vay nợ, Vicostone còn có một vụ kiện kinh tế tại thị trường nước ngoài. Theo đó, năm 2013, Vicostone đã bị Công ty TNHH Cambria (một công ty được thành lập tại Mỹ), kiện về việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ khi bán một số sản phẩm của họ tại thị trường Mỹ. Vụ kiện này đã được Tòa án tiểu bang Minesota thụ lý, nhưng sau đó Tòa án tạm dừng xử. Đến thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên 2020, Ban tổng giám đốc Vicostone cho biết, có đầy đủ cơ sở để trích lập dự phòng cho các khoản chi phí bồi thường (nếu có).