Không dễ cải thiện NIM
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh so với mức đỉnh trong quý I/2023 và thấp hơn thời điểm cuối năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với trước dịch Covid-19, nhất là ở một số ngân hàng nhỏ, huy động tiền gửi lãi suất cao ở kỳ hạn dài ngày, điều này tạo áp lực lên việc duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (biên lãi ròng - NIM).
Để cải thiện NIM hoặc hạn chế NIM suy giảm, hầu hết ngân hàng kiểm soát chi phí vốn bằng cách nâng tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động (LDR), nhưng không dễ thực hiện. Thực tế cho thấy, tín dụng trong nửa đầu năm nay tăng chậm, trong khi các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của cơ quan quản lý nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
NIM của ngành ngân hàng đã suy giảm trong quý I/2023, nhiều khả năng tiếp tục giảm trong quý II/2023 và dự báo khó tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là ở những nhà băng vay mượn nhiều trên thị trường liên ngân hàng.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhận xét, sức hấp thụ tín dụng vẫn đang rất yếu. Tính đến giữa tháng 6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 4/2023, tín dụng tăng 3% so với cùng kỳ, nếu bỏ qua năm 2020 do dịch Covid-19 thì lần cuối tín dụng có mức tăng thấp như vậy là năm 2014. Tín dụng yếu bắt nguồn từ sự suy yếu của nền kinh tế và ngược lại, đó là một yếu tố khiến kinh tế yếu đi. Tín dụng yếu đã và đang ảnh hưởng tới NIM của ngành ngân hàng, trong bối cảnh chi phí đầu vào (chi phí huy động) tăng song lợi nhuận đầu ra (chi phí cho vay) không tăng tương ứng.
“Các yếu tố trên khiến NIM của ngân hàng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Việt Nam là nước tập trung vào vốn vay ngân hàng, thị trường chứng khoán chưa phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn non trẻ vẫn đang bị ảnh hưởng sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh. Khi kinh tế hồi phục - điều chắc chắn sẽ xảy ra - thì nhu cầu tín dụng sẽ quay trở lại. Nhìn lại năm 2020, khi thực hiện biện pháp cách ly nhằm phòng chống dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng quý I chỉ đạt 1,5%, nhưng đến cuối năm ghi nhận mức tăng 12%. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kinh tế năm 2023 dự kiến hồi phục sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Lãi suất huy động đang giảm, NIM có thể phục hồi dần vào nửa cuối năm, nhưng tính chung cả năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, xu hướng tăng cho vay khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất giảm rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi, ít nhất đến quý III/2023. Vì vậy, năm 2023, NIM của các ngân hàng thương mại cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và huy động phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành. Ngược lại, đối với các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng sẽ hạn chế được nguy cơ NIM thu hẹp.
“Hi sinh” một phần lợi nhuận
Lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh giảm theo động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ giữa tháng 3/2023 đến nay.
Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Cụ thể, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu; giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm 0,5 - 1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, mặt bằng lãi suất về cơ bản đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần, mức bình quân hiện nay là 5,8%/năm và 8,9%/năm, lần lượt giảm 0,7%/năm và 1%/năm so với cuối năm ngoái.
Tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh chia sẻ, ngân hàng đã phải hi sinh cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay trong nửa đầu năm nay.
Thực tế, một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến NIM chính là lãi suất, xét trên cả lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sử dụng lãi suất như một công cụ để điều tiết dòng tiền của thị trường. Hệ số NIM cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách lãi suất, nhất là trong giai đoạn lãi suất biến động mạnh. Từ quý III/2022 đến hết tháng 2/2023, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tăng liên tục, có thời điểm đạt trên 10%/năm, kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm của khách hàng nhiều hơn là vay vốn. Ngoài ra, chủ trương của cơ quan quản lý là tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ kinh tế phục hồi, khiến các ngân hàng khó có thể duy trì mức NIM.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM dự báo, NIM ngân hàng sẽ tiếp tục có diễn biến giảm, vì áp lực phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, song tỷ trọng giảm không nhiều và có sự phân hóa NIM giữa các ngân hàng. NIM của ngân hàng quy mô lớn sẽ thấp hơn NIM của ngân hàng nhỏ, nhưng tổng lợi nhuận vẫn cao vì những khoản cho vay thường có quy mô lớn. Mặt khác, ngân hàng lớn có dòng vốn dồi dào nên chấp nhận mức NIM thấp và đạt được lợi thế kinh tế về quy mô.
Nhìn lại quý I/2023, NIM trung bình của 25 ngân hàng trên sàn chứng khoán giảm 0,18% do phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của một số ngân hàng như TCB, TPB, VPB, MBB giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng, 2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường, gặp khó khăn.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, chi phí vốn của ngành ngân hàng tăng, trong khi tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng dẫn đến NIM thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Từ quý III/2023, NIM có khả năng đi ngang, hoặc tăng nhẹ, với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.