Qua nhiều cuộc triển lãm Reed Tradex đã tổ chức tại Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng phát triển của nền công nghiệp tại Việt Nam?
Chúng tôi rất hào hứng khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu đang tăng đối với những sản phẩm linh kiện, thiết bị công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) mà chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi đều cho rằng, Việt Nam đang là một ngôi sao sáng về kinh tế tại khu vực ASEAN.
Các DN Nhật Bản đang rất quan tâm đến Việt Nam. Nhiều DN Nhật Bản hiện coi Việt Nam là địa chỉ đầu tư tốt nhất trong khu vực.
Đại diện nhiều DN cho rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực tự động hóa, tiếp theo là Indonesia và Thái Lan. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào 2015, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan sẽ là trục tam giác phát triển trong lĩnh vực tự động hóa tại ASEAN.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng, hiện tại, Việt Nam cũng đang là trung tâm sản xuất điện tử của khu vực. Có thể thấy khá nhiều thương hiệu điện tử lớn đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực này có cơ hội tăng cao.
Trong tháng 8 tới, Reed Tradex sẽ tổ chức Triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2014” tại Hà Nội. Đâu là sự khác biệt giữa triển lãm năm nay và những năm trước, thưa ông?
Còn quá sớm để nói về điều này, nhưng Triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2014” sẽ giới thiệu những công nghệ thân thiện với môi trường mới nhất. Với những công nghệ này, các DN có thể tiết kiệm được chi phí và năng lượng trong quá trình sản xuất.
Một sự khác biệt nữa là, ở những triển lãm trước, chúng tôi chỉ mời những DN nước ngoài tại Việt Nam và DN Việt Nam đến thăm, còn năm nay, chúng tôi mở rộng mời cả những DN đang có nhu cầu mua sắm thiết bị, linh kiện ở ngoài Việt Nam đến triển lãm.
Trong vòng 3 năm tới, chúng tôi có kế hoạch biến Hà Nội thành một địa điểm giới thiệu thiết bị điện tử lớn tại ASEAN. Chúng tôi muốn làm như vậy, bởi hiện tại, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ điện tử có thể mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế về chi phí nhân công. Họ có thể sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt, với chi phí rẻ. Sau đó, các DN này có thể xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sang Thái Lan, Indonesia và các quốc gia khác.
Ông nói rằng, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đang mở rộng, vậy Reed Tradex có kế hoạch sẽ tổ chức thêm triển lãm tại Việt Nam?
Là một công ty chuyên về tổ chức triển lãm, chúng tôi đã làm việc với nhiều DN Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Qua đó, chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu về công nghiệp phụ trợ rất lớn tại Việt Nam. Trong vòng 3 năm tới, chúng tôi có kế hoạch sẽ tổ chức thêm, có thể là 3 triển lãm nữa tại Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng, những triển lãm đó sẽ giúp các DN tại Việt Nam tiếp cận được những công nghệ hiện đại nhất và giúp các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào linh kiện và thiết bị nhập khẩu.
Ngoài các cuộc triển lãm, Reed Tradex cũng sẽ mang đến những kiến thức mới thông qua các cuộc hội thảo, tạo đàm nhằm chia sẻ kiến thức giữa các DN để tạo ra những sản phẩm sáng tạo trong tương lai.
Khi trao đổi với các khách hàng về thị trường Việt Nam, ông thấy đâu là những lý do khiến họ quan tâm đến Việt Nam nhất?
Hiện tại, hầu hết thiết bị, máy móc của các DN Việt Nam đều đã cũ. Trong những năm tới, những DN này sẽ phải mua những máy móc mới để thay thế. Đó là lý do tại sao các công ty nước ngoài lại quan tâm đến việc tham gia triển lãm tại Việt Nam và giới thiệu công nghệ cũng như dịch vụ của họ.
Nhiều DN nước ngoài đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, bởi vì họ tin chắc rằng, trong những năm tới, họ sẽ bán được nhiều máy móc, thiết bị hơn.
Đối với các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là DN Nhật Bản đều muốn hợp tác với DN Việt Nam để mở rộng sản xuất. Theo tôi, trong thời gian tới, các lĩnh vực công nghiệp sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam lần lượt là tự động hóa, sản xuất điện tử và chế biến thực phẩm.