Biến động xuất khẩu nửa đầu tháng 9/2024

Nửa đầu tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 14 tỷ USD, giảm mạnh gần 7 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024, một số nhóm hàng chủ lực biến động như máy tính-linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may...
Ngành rau quả tiếp tục duy trì "phong độ" nửa đầu tháng 9 mang về 460 triệu USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9 (1-15/9), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14 tỷ USD, giảm 6,73 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay đều giảm mạnh trong kỳ đầu tháng 9, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ đạt 2,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện gần 1,9 tỷ USD, dệt may 1,21 tỷ USD, giày dép 623 triệu USD...

Một số mặt hàng nông sản vẫn duy trì được mức tăng khá trong nửa tháng 9, dẫn đầu là rau quả mang về 460 triệu USD, lũy kế đến 15/9 đạt gần 5,1 tỷ USD, hàng thủy sản 378 triệu USD, lũy kế 15/9 đạt gần 6,7 tỷ USD, cà phê 4,13 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt 4,060 tỷ USD, hạt điều 2,93 tỷ USD...

Tính chung từ đầu năm đến 15/9, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 279,38 tỷ USD.

Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 9 đạt 14,55 tỷ USD, giảm gần 3 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024.

2 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 9 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 4,72 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt gần 74 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 1,808 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt 33,17 tỷ USD.

Nhập điện thoại, linh kiện gần 500 triệu USD, lũy kế 15/9 đạt 6,82 tỷ USD, nhập vải các loại 566 triệu USD, lũy kế 15/9 đạt 10,25 tỷ USD.

Lũy kế đến 15/9, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 261,34 tỷ USD.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/9 đạt 540,72 tỷ USD, trong đó thực hiện của doanh nghiệp FDI gần 367 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 18,04 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng theo Bộ Công thương, sự phục hồi này chưa chắc chắn và không đồng đều; Từ nay đến cuối năm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Mới nhất, Thái Lan và Ấn Độ đã tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá 2 sản phẩm của Việt Nam gồm thép không gỉ và sản phẩm calcium carbonate filler masterbatch.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục