Trong các chỉ tiêu nói trên, tổng tài sản của Ngân hàng sẽ tăng từ mức 421.000 tỷ đồng hiện nay lên 904.124 tỷ đồng, quy mô ngang bằng các ngân hàng khá trong khu vực, đảm bảo các yêu cầu về lượng khi BIDV mở rộng hoạt động sang các nước khác. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, định hướng đưa Ngân hàng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng tài chính khu vực và quốc tế đã được BIDV xây dựng cách đây hơn 5 năm. Bản thân sự kiện IPO của BIDV vào cuối tháng 12/2011 tới đây cũng chính là một bước đi quan trọng trong tổng thể chiến lược tái cơ cấu của Ngân hàng.
"Cổ phần hóa và niêm yết là một động lực giúp BIDV tiếp tục tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, duy trì một áp lực cần thiết để BIDV tiếp tục những bước đi tới đích là một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, hội nhập toàn diện vào thị trường tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế", ông Hà nói.
Một ví dụ được ông Hà chia sẻ đó là ngay từ năm 1996, BIDV đã là ngân hàng đầu tiên tại Việt
"Việc phân loại nợ tiệm cận theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế để có một cái nhìn minh bạch hơn về chính hoạt động tín dụng của mình cũng đã được BIDV thực hiện triệt để với việc là ngân hàng đầu tiên áp dụng Điều 7, Quyết định 493 của NHNN. Đến nay, BIDV có thể tự hào là một trong những ngân hàng nghiêm túc nhất trong việc công bố nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro", ông Hà cho biết.
Song hành cùng với việc lành mạnh hóa chính hoạt động của mình với yêu cầu tiên quyết là chất lượng và hiệu quả, BIDV đang thực hiện những bước "tập sự" cần thiết để bước chân ra thị trường quốc tế. 2 năm qua BIDV đã đẩy mạnh việc hiện diện tại nước ngoài như Lào, Campuchia, Cộng hòa Séc, Myanmar… và những hoạt động này bắt đầu có hiệu quả nhất định.
Theo ông Hà, để tiếp cận được thị trường quốc tế, ngoài việc đảm bảo được điều kiện thâm nhập thị trường, BIDV phải chấp nhận thử thách, khó khăn. Ví dụ như, khi thành lập công ty đầu tư tài chính tại Hồng Kông, BIDV phải thỏa mãn được điều kiện về quản trị kế toán, báo cáo tài chính, quản trị DN phù hợp với yêu cầu của Sở GDCK Hồng Kông.
Thực hiện tái cơ cấu là sự đổi mới về tư duy quản lý. Đối với BIDV, đó chắc chắn là một quá trình, bởi với lịch sử hoạt động lâu đời nhất tại Việt Nam với gần 55 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng thì quá trình chuyển đổi đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Trong quá trình đó, sự hình thành một đội ngũ lãnh đạo trẻ, cả ở cấp cao và cấp trung có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập là một thành công đáng ghi nhận.
Ông Trần Phương, Giám đốc Ban kế hoạch phát triển BIDV cho biết, công tác quy hoạch nhân lực cấp cao của BIDV đã được thực hiện theo 3 cấp độ, giúp cho quá trình phát hiện đào tạo và bồi dưỡng những nhân tố tích cực có tính hệ thống và chủ động hơn. Trẻ hóa đội ngũ là yêu cầu mang tính xuyên suốt, lâu dài, nhưng cũng rất cấp thiết sau khi Ngân hàng thực hiện IPO, đòi hỏi sự đổi mới trong quản trị, điều hành.
Cũng theo ông Phương, Ban lãnh đạo BIDV đã xác định, ngoài việc cần có kiến thức chuyên sâu trong quản lý kinh doanh, kinh nghiệm thực tế tại đơn vị cơ sở, thì cũng rất cần có sự hiểu biết sâu về thị trường tài chính và nhãn quan chiến lược, đặc biệt là khả năng làm việc chủ động trực tiếp với các đối tác nước ngoài. Bởi hội nhập khu vực và quốc tế đòi hỏi người lãnh đạo sự chủ động và những phẩm chất nổi trội, như thế mới hợp tác hiệu quả được với các đối tác chiến lược nước ngoài, cũng như các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước.
Những bước cần đi, rất nhiều, dù không đơn giản và mất thời gian nhưng được thực hiện trên một mục tiêu thống nhất, một kế hoạch hoàn chỉnh đang mang lại những kết quả cụ thể cho BIDV. IPO của BIDV là một bước trong kế hoạch được thực hiện vào thời điểm những kết quả tích cực ban đầu đã xuất hiện, dễ hiểu được với những buổi roadshow chật kín nhà đầu tư tham dự và trên 40 định chế tài chính nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.