BIDV và tiến độ cổ phần hoá

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố kế hoạch cổ phần hóa mới nhất của mình. Thời hạn cuối cùng về phát hành cổ phiếu lần đầu vào quý IV/2007 không có gì thay đổi, tuy nhiên các bước đi chi tiết đã được bổ sung, cụ thể nhất là BIDV đã thông qua danh sách các nhà thầu tư vấn cổ phần hóa, đồng thời triển khai các công việc để xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn thành báo cáo tài chính hợp nhất trên cả hai tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.
Nâng hạng
Mới đây, BIDV đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s nâng hạng năng lực tài chính từ mức E (năm 2006) lên mức E+. Việc nâng hạng này là nhờ năng lực tài chính của Ngân hàng đã được củng cố, mà cụ thể là mới đây nhất, Chính phủ đã cấp thêm 3.400 tỷ đồng vào vốn của BIDV, giúp cho tỷ lệ vốn cấp 1 trên tổng tài sản có rủi ro đang từ 2,6% lên 5,5%.
Đặc biệt, trong xử lý nợ xấu đã có bước cải thiện rất mạnh. Trước đây, BIDV là ngân hàng có thể xếp đầu bảng về nợ xấu, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan xuất phát từ đặc thù phục vụ cho hoạt động đầu tư phát triển của mình. Theo Moody’s, mức nợ xấu của BIDV đã giảm từ 31% năm 2005 xuống còn 9,6% năm 2006.
Theo ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc BIDV, vấn đề lành mạnh hóa tài chính theo hướng minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế được BIDV ưu tiên hàng đầu. “Mục tiêu của BIDV là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 5% theo chuẩn mực quốc tế, trước khi cổ phần hóa vào quý IV/2007”, ông Hà cho biết.
Theo đánh giá của Moody’s về triển vọng phát triển thì sự bùng nổ kinh tế sẽ mang lại cho BIDV cơ hội tăng trưởng lớn. Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ và bất động sản. “Vị thế truyền thống của BIDV trong việc cấp vốn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ là đòn bẩy cho kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán”, Moody’s nhận định

Hiệu quả hơn
Trở lại với tiến độ cổ phần hóa, BIDV đã đưa ra danh sách 5 nhà thầu tư vấn cổ phần hóa với những cái tên rất lớn trong ngành tài chính quốc tế như Goldman Sachs, JP Morgan, Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS. Theo ông Hà, đây là những định chế lớn, có kinh nghiệm trong hoạt động cổ phần hóa ngân hàng ở các thị trường đang phát triển. Đây là các cơ sở để đảm bảo cho BIDV cổ phần hoá thành công trong năm nay.
Một vấn đề đang được quan tâm, đó là hoạt động của BIDV sau cổ phần hóa sẽ như thế nào. Theo ông Hà, trước hết BIDV sẽ phấn đấu trở thành một ngân hàng đa sở hữu, hoạt động đa ngành, hướng tới một tập đoàn tài chính đa ngành.
Nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu ROE thì đến cuối năm 2006, chỉ tiêu này của BIDV chỉ đạt 16,03%, thấp hơn so với khá nhiều ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, theo ông Hà, sở dĩ ROE của BIDV hiện còn thấp bởi trong vài năm trở lại đây, Ngân hàng phải trích quỹ dự phòng rủi ro khá lớn và để xử lý nợ xấu tồn đọng từ những năm trước đó.
Ông Hà cũng khẳng định, việc xử lý nợ xấu sẽ được cơ bản giải quyết trước cổ phần hóa. Chính vì vậy, hiệu quả kinh doanh trên vốn sẽ rất khác sau khi Ngân hàng cổ phần hóa. Chỉ tính riêng năm 2006, BIDV đã xử lý được 3.249 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn trích dự phòng rủi ro của Ngân hàng. Trong các năm tới đây, khi khoản trích này giảm đi thì mức lợi nhuận của Ngân hàng sẽ tăng mạnh và chắc chắn sẽ không kém các ngân hàng hàng đầu trên thị trường hiện nay.
“Hiện BIDV đã đáp ứng được các chuẩn mực về tài chính, phù hợp với thông lệ quốc tế để có thể sẵn sàng cổ phần hóa, từ xếp hạng tín nhiệm, phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế đến đảm bảo hệ số an toàn vốn... Đây là điều đảm bảo cho BIDV có thể cổ phần hóa đúng tiến độ đề ra”, ông Hà cho biết.

Kế hoạch cổ phần hóa của BIDV
a) Xác định giá trị doanh nghiệp (T7-T9/2007):
- Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tư vấn đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt (T7-T9/2007)
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả giá trị doanh nghiệp (T9/2007)
b) Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược (T4-T9/2007):
- Xác định tiêu chí đối tác chiến lược (T4-T8/2007)
- Chuẩn bị tài liệu giới thiệu với đối tác chiến lược, bảng câu hỏi trả lời (T8/2007)
- Tổ chức roadshow tiếp xúc và làm việc với các đối tác (T9/2007)
- Lựa chọn đối tác chiến lược (T9/2007)
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối tác chiến lược (T9/2007)
c) Lập, phê duyệt phương án CPH chi tiết:
- Lập phương án cổ phần hoá chi tiết (T7-T9/2007)
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá chi tiết (T9/2007)
d) Tổ chức bán cổ phần lần đầu (IPO) - quý IV/2007.

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục