Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV thẳng thắn, BIDV phát hành cổ phần lần đầu (IPO) vào thời điểm này cũng đã trễ hẹn 1 năm. Chính phủ đã gia hạn một lần, mà BIDV xin gia hạn lần nữa sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của BIDV. Bên cạnh đó, nếu kéo dài qua thời điểm 31/12 này thì sẽ có nhiều chi phí phát sinh, coi như làm lại từ đầu. Trong khi đó, Ngân hàng đã hội đủ điều kiện để thực hiện IPO ngay trong năm nay; đồng thời khối lượng cổ phần bán ra lần này không lớn (3% vốn điều lệ), nên BIDV rất tự tin ra mắt thị trường.
Ông Hà cho biết thêm, đợt IPO này được xác định nhằm đạt nhiều mục tiêu. Một là, đổi mới phương thức quản trị điều hành, áp dụng những kỹ năng quản trị tiên tiến, trong đó chú trọng tăng cường năng lực quản lý rủi ro. Hai là, tận dụng hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản phẩm đa dạng của đối tác chiến lược nước ngoài, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ. Ba là, có được sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản với chất lượng cao, phù hợp với quá trình hội nhập. Bốn là, huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành và hiện đại hóa công nghệ. Năm là, tăng cường minh bạch hóa thông tin, hoạt động kinh doanh.
"IPO là một nội dung quan trọng để tái cấu trúc BIDV trong nỗ lực xây dựng Ngân hàng thành một tập đoàn tài chính - ngân hàng đa sở hữu, kinh doanh đa lĩnh vực, hoạt động theo thông lệ quốc tế, chất lượng và hiệu quả hàng đầu trong các định chế tài chính tại Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.
Những bước chuẩn bị cho cuộc IPO sắp tới đang được BIDV gấp rút tiến hành. Mức giá khởi điểm cho đợt phát hành lần đầu là 18.500 đồng/cổ phần. Ngân hàng sẽ tổ chức roadshow tại Hà Nội và TP. HCM ngày 10 và 11/12/2011; ngày bắt đầu đăng ký đấu giá là 8/12/2012; ngày cuối cùng bỏ phiếu đấu giá là 26/12/2011; ngày 28/12 tới, BIDV sẽ tổ chức bán đấu giá công khai 3% vốn điều lệ (tương đương 84,75 triệu cổ phần) tại Sở GDCK Hà Nội. Sau các bước trên, BIDV sẽ tiến hành bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trước ngày 31/12/2011; tổ chức ĐHCĐ lần thứ nhất và chuyển đổi thành NHTM cổ phần vào quý I/2012; tiến hành niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM không muộn hơn quý III/2012. Việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài dự kiến trong năm 2012.
Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BIDV sẽ bán tối đa 35% vốn điều lệ ra công chúng, cho nhân viên và đối tác chiến lược. Việc cổ phần hóa sẽ được tiến hành qua 2 giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2015. Trong giai đoạn 1, BIDV sẽ phát hành lượng cổ phiếu tương đương 22% vốn điều lệ. Trong đó, IPO 3% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 1%, 3% cho tổ chức công đoàn và tối đa 15% cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trong giai đoạn 2, BIDV sẽ phát hành thêm cho cổ đông chiến lược, nhưng tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông này không vượt quá 20%. Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt hơn 28.251 tỷ đồng.
Trả lời ĐTCK, ông Hà cho biết thêm, kế hoạch lợi nhuận của Ngân hàng năm 2012, năm đầu tiên sau khi IPO dự kiến tăng không nhiều. Trước hết, do khủng hoảng kinh tế và nợ công ở châu Âu sẽ còn tiếp diễn và kéo dài, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Thứ hai, BIDV đã thực hiện lộ trình tái cấu trúc có 8 nội dung, trong đó có nhiều chỉ số về mặt kỹ thuật. Ví dụ như, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, tập trung vào quản trị rủi ro, chuyển đổi hệ thống sang hoạt động ngân hàng bán lẻ. Do vậy, BIDV phải chấp nhận mức lợi nhuận tăng trưởng không quá cao như những thời kỳ trước.
"Tuy nhiên, sau khi quá trình tái cấu trúc của BIDV dần hoàn thành vào năm 2013, các năm tiếp sau đó, BIDV sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn nhiều", ông Hà khẳng định.
Giá trị BIDV tại thời điểm 31/12/2010 như sau: thứ nhất, giá trị DN theo sổ sách đã được kiểm toán là 363.094,906 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại DN là 22.036,078 tỷ đồng. Thứ hai, giá trị DN theo định giá đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán là 381.317 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 40.259 tỷ đồng. Căn cứ giá trị phần vốn nhà nước tại Ngân hàng để xác định quy mô và cơ cấu phát hành như sau: vốn điều lệ làm căn cứ xác định giá trị phát hành: 28.251,382 tỷ đồng; mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong 4 năm tới, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng 20%/năm, tăng trưởng huy động vốn 22%/năm, đạt thị phần trên 10% hệ thống NHTM Việt Nam. Hiện tại, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 420.000 tỷ đồng, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đặt ra, đến năm 2015, tổng tài sản của BIDV sẽ đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương hơn 42,8 tỷ USD. Ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng trưởng bình quân thu dịch vụ ròng đạt 30%/năm, ROE đạt hơn 17%/năm. Với kế hoạch trên, năm 2015, Ngân hàng dự kiến đạt hơn 8.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. |