BID thay VCB lĩnh ấn tiên phong, kéo VN-Index lên đỉnh của năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi VCB đảo chiều giảm và trở thành gánh nặng chính của thị trường thì BID thay thế, trở thành điểm nhấn, tiếp sức giúp VN-Index lập đỉnh mới trong năm 2023, áp sát mốc 1.150 điểm.
BID thay VCB lĩnh ấn tiên phong, kéo VN-Index lên đỉnh của năm

Nếu trong phiên cuối tuần trước thị trường được chiêm ngưỡng màn biểu diễn ấn tượng của anh cả VCB thì trong phiên 10/7, nhà đầu tư tiếp tục được thưởng thức pha “quay xe” ngoạn mục của một mã lớn khác của dòng bank là BID.

Dù phần lớn thời gian của phiên sáng nay, cổ phiếu BID giao dịch khá yên ắng khi biến động giá chỉ trong biên độ hẹp, thậm chí có thời điểm mã này đã gia nhập vào bộ 3 lớn là VCB – BID – CTG tạo gánh nặng lớn cho thị trường. Tuy nhiên, lực cầu sôi động đã giúp BID đảo chiều và trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất dòng bank khi tạm dừng phiên sáng với mức tăng hơn 2,5%.

Sự châm ngòi ở cuối phiên sáng đã tiếp thêm ngọn lửa giúp BID “bùng cháy” trong phiên chiều. Và với hơn 2 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công trong đợt khớp lệnh ATC, cổ phiếu BID đã đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 46.950 đồng/CP, với mức tăng ấn tượng 6%. Đây là phiên tăng tốt thứ 2 của BID trong năm nay, chỉ thua phiên tăng trần ngày 16/1 và cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023.

Đồng thời, thanh khoản của BID cũng đột biến khi có tới 4,62 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, gấp hơn 3,5 lần so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây và là phiên cao thứ 2 trong khoảng 1 năm qua, chỉ thua chút ít so với phiên bùng nổ ngày 16/1 (khớp hơn 4,7 triệu đơn vị).

Sự thế chân VCB để trở thành ngôi sao sáng, tiếp tục dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường, giúp VN-Index chính thức vượt vùng đỉnh mới của năm khá xa và tiệm cận mốc 1.150 điểm, điều này càng giúp tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng hơn về con sóng nhóm ngân hàng có thể lan tỏa rộng hơn và kéo dài hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 327 mã tăng và 97 mã giảm, VN-Index tăng 10,95 điểm (+0,96%) lên 1.149,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 879,43 triệu đơn vị, giá trị 18.412,1 tỷ đồng, cùng tăng hơn 10% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,73 triệu đơn vị, giá trị 1.522,34 tỷ đồng.

Nhóm VN30 góp công lớn khi có tới 23 mã tăng và chỉ còn 4 mã giảm. Trong đó, có sự trái chiều của cặp đôi lớn nhà bank với VCB tiếp tục giật lùi và đóng cửa giảm 2,2% xuống mức 102.700 đồng/CP, còn BID tăng vọt 6%.

Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng đã tìm đến mức giá cao nhất khi kết phiên, đóng góp đáng kể giúp chỉ số chung leo đỉnh thành công như MWG tăng 4,9%, SSI tăng 4%, PLX tăng 3,7%, MSN tăng 3,6%...

Xét về nhóm ngành, dòng bank chỉ có được đà tăng nhẹ trước sự cản trở khá lớn đến từ VCB và cũng như phiên giao dịch trước đó, hầu hết các cổ phiếu khác trong ngành chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%, nhường sự tỏa sáng cho một thành viên của nhóm và trong phiên hôm nay là sự “trổ tài” của BID.

Nhóm chứng khoán giao dịch khởi sắc với sắc xanh lan tỏa toàn ngành, đáng kể có SSI tăng gần 4%, VCI tăng 2,21%, FTS tăng 3,1%, các mã BSI, VIX, CTS đều tăng hơn 1%... Đồng thời, đây cũng là nhóm có đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường với VND dẫn đầu khi có tới gần 39,5 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là SSI khớp lệnh tới hơn 30,63 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đáng chú ý với nhiều điểm nóng trở lại, điển hình là PDR tăng 6,9% đóng cửa tại mức giá trần và cũng là mức cao nhất trong năm nay, đạt 18.500 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng bùng nổ khi có tới hơn 28,13 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã khác như NHT, CTI, NTL cũng đóng cửa trong trạng thái dư mua trần; hay NVL tăng 2,8% với khối lượng khớp lệnh đạt 27,42 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép giao dịch khởi sắc hơn phiên sáng với HPG tăng gần 1%, HSG tăng 1,5%, NKG tăng 2,2%, TLH tăng 1,8%, SMC tăng 4%, trong đó HPG khớp lệnh sôi động nhất ngành, đạt 23,93 triệu đơn vị, còn HSG khớp 17,98 triệu đơn vị và NKG khớp hơn 11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu sôi động với tâm điểm là nhóm cổ phiếu HNX30 đã giúp thị trường duy trì đà tăng tốt.

Với 120 mã tăng và 66 mã giảm, đóng cửa chỉ số HNX-Index tăng 2,55 điểm (+1,13%) lên 228,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 120,4 triệu đơn vị, giá trị 1.920,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,58 triệu đơn vị, giá trị 261,36 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì đà tăng tốt, với tâm điểm đáng chú ý là SHS tăng 4,4% lên mức 14.300 đồng/CP và thanh khoản vượt trội, đạt 36,66 triệu đơn vị; BVS tăng 4,8% và khớp 1,57 triệu đơn vị, MBS tăng 4% và khớp gần 4,4 triệu đơn vị…

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu nhà apec bị bán tháo và đều đóng cửa trong trạng thái dư bán sàn vài triệu đơn vị. Đóng cửa, API đứng tại mức giá 6.400 đồng/CP và khớp 3,43 triệu đơn vị; APS đứng tại mức giá 6.300 đồng/CP và khớp 3,86 triệu đơn vị, còn IDJ đứng tại mức giá sàn 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp đạt 6,46 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,68%) lên 85,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 78,68 triệu đơn vị, giá trị 1.223,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,44 triệu đơn vị, giá trị 96,74 tỷ đồng.

Cặp đôi BSR và OIL tiếp tục nới rộng biên độ, chốt phiên BSR tăng 4,6% lên mức 18.100 đồng/CP và khớp 20,62 triệu đơn vị; trong khi OIL tăng 7,8% lên mức 11.100 đồng/CP và khớp 5,55 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thép TVN có thêm phiên giao dịch bùng nổ. Đóng cửa, TVN xác nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên mức 7.800 đồng/CP, cùng thanh khoản lên tới 2,42 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, với VN30F2307 tăng 11,5 điểm, tương đương +1% lên 1.136,5 điểm, khớp lệnh gần 157.130 đơn vị, khối lượng mở hơn 61.370 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CMWG2302 giao dịch sôi động nhất với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 33,3% lên 440 đồng/cq, theo sau là CVNM2212 với 1,5 triệu đơn vị, kết phiên tăng 25% lên 250 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục