BIC: Năm 2021 đặt mục tiêu đạt 292 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 22%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC – sàn HOSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức vào ngày 16/4.
BIC: Năm 2021 đặt mục tiêu đạt 292 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 22%

Theo đó, năm 2021, BIC đặt mục tiêu đạt 2.830 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm (theo báo cáo riêng lẻ), tăng 10,5% so với thực hiện trong năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 292 tỷ đồng, giảm 22%.

Mục tiêu lợi nhuận giảm so với năm 2020 do lợi nhuận hoạt động đầu tư giảm do lãi suất tiền gửi giảm xuống còn 5% tại thời điểm hiện nay và lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm dự kiến giảm. BIC thực hiện đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ trong năm 2021 và tỷ lệ bồi thường dự kiến tăng do hoạt động kinh doanh bảo hiểm không còn được hưởng các điều kiện thuận lợi như trong năm 2020.

Cụ thể hơn, năm 2020, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới thấp, một phần nhờ các giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên những ảnh hưởng này sẽ giảm, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới, con người có thể tăng trở lại. Trong khi đó, với tình hình cạnh tranh gay gắt, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mảng xe cơ giới, con người trong năm 2021 trở đi, dẫn tới hiệu quả kinh doanh bảo hiểm trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Về tài chính, các hợp đồng tiền gửi có lãi suất tốt (trên 7%/năm) từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ hết hạn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Các hợp đồng tái tục sẽ có lãi suất sụt giảm đáng kể. Lãi tiền gửi chiếm tỷ trọng chính trong lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính, do đó, lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính năm 2021 sẽ bị sụt giảm đáng kể so với 2020.

Về cơ hội trong năm 2021, theo BIC, nếu nền kinh tế có thể khôi phục hình chữ V, các hoạt động kinh tế sẽ dần trở lại bình thường. Đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm khôi phục lại tăng trưởng bình thường, đặc biệt là các nhóm sản phẩm khách hàng cá nhân, vốn đang có tăng trưởng thấp trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, kinh tế phục hồi sẽ có tác động tích cực đến các sản phẩm bảo hiểm khác, ngoài các sản phẩm bán lẻ.

Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm tới của Chính phủ Việt Nam là đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công. Đây là cơ hội nhằm tăng trưởng bảo hiểm kỹ thuật đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2021.

Nhìn lại năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm của Tổng công ty đạt 2.562 tỷ, vượt 5,6% mục tiêu doanh thu (2.425 tỷ đồng) được Đại hội đồng cổ đông giao. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 375,3 tỷ đồng, vượt 55,7% kế hoạch đề ra (241 tỷ đồng).

Đồng thời, năm qua, BIC đã gia tăng thị phần đáng kể, chiếm 4,3% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc (so với cùng năm trước ở mức 3,7%), từ vị trí thứ 8 trong năm 2019 lên vị trí thứ 7 thị trường trong năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, cổ phiếu BIC tăng 4,2% lên mức giá 22.200 đồng/CP.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục