“CTCK Sài Gòn (SSI) là cổ đông có thực lực tài chính, hiện chiếm hơn 30% vốn của Bibica, là một đối trọng với Lotte. Khi trong thành phần cổ đông trong nước tập trung, có sự cân bằng về tỷ lệ sở hữu thì hy vọng họ sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề, chứ không ‘đánh nhau’ để tất cả cùng thiệt”, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica bình luận về vai trò của cổ đông lớn SSI trong việc cân bằng quyền lợi hợp tác giữa hai bên: Bibica và Lotte.
Mâu thuẫn ở Bibica nảy sinh từ lâu, giữa cổ đông lớn Lotte nắm giữ 38% cổ phần với cổ đông trong nước. Trong HĐQT Bibica, nhiều ý kiến cho rđại diện Lotte không vì lợi ích của Bibica, mà chỉ chấp nhận các nghị quyết, định hướng vì lợi ích của Lotte tại Bibica. Một bên muốn thâu tóm, biến Bibica thành công ty con, còn bên kia muốn giữ lại công ty mang thương hiệu Việt
Lotte nắm giữ 38% cổ phần Bibica, muốn biến Bibica thành công ty con
Năm 2012, mẫu thuẫn này tiếp tục là rào cản trong hoạt động của Bibica. Cụ thể, tháng 10/2012, HĐQT Bibica họp về nội dung triển khai Dự án Hưng Yên, dự án này Bibica đã xin gia hạn giấy phép lần 3 và Ban quản lý Khu công nghiệp yêu cầu Công ty khởi công vào quý I/2013, đưa vào hoạt động quý IV/2013. Tuy nhiên, trong cuộc họp này, đại diện Lotte cho biết, “đang xem xét hồ sơ dự án”. Đến ngày 14/12/2012, Lotte gửi thư tới Bibica cho rằng, sản xuất sản phẩm Craker không khả thi và yêu cầu Bibica tiến hành nghiên cứu thị trường với 3 sản phẩm của Lotte.
Theo ông Chiến, về nguyên tắc, HĐQT gồm 5 thành viên thì chỉ cần 3 thành viên thông qua chủ trương là một vấn đề được thông qua. “Nhưng nhiều trường hợp, phía Lotte không đồng ý nên Chủ tịch HĐQT Bibica không ký ban hành Nghị quyết HĐQT (đại diện phần vốn của Lotte giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Bibica). Có những vấn đề dù không có Nghị quyết HĐQT, nhưng có biên bản HĐQT với sự chấp thuận của 3 thành viên trong nước, tôi vẫn cho thực hiện”, ông Chiến nói.
Đơn cử, báo cáo quản trị Bibica ghi rõ, việc nâng cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp năm 2012, phía Lotte muốn Bibica sử dụng phần mềm chung với nhóm công ty Lotte, máy chủ đặt tại Hàn Quốc và bản quyền thuộc về Lotte, chứ không phải Bibica. HĐQT Bibica đã quyết định nâng cấp từ phần mềm Oracle 11 lên Oracle 12, với chi phí thấp hơn phương án phía Lotte đưa ra. Việc này không có nghị quyết HĐQT, vì Chủ tịch không ký, nhưng Tổng giám đốc Bibica vẫn cho triển khai.
“Nhưng việc đầu tư nhà máy tại Hưng Yên, trị giá hàng trăm tỷ đồng, giá trị quá lớn nên không thể triển khai theo cách này. Khi không có nghị quyết HĐQT, không có quyết định đầu tư thì rất khó triển khai, vì liên quan đến hồ sơ thủ tục với các cơ quan chức năng”, ông Chiến chia sẻ.
Vì thế, câu chuyện đầu tư nhà máy tại Hưng Yên như thế nào cần phải đợi ĐHCĐ thường niên tới đây của Bibica quyết định. Nếu cơ cấu thành viên HĐQT Bibica vẫn như hiện nay, thì việc không ban hành được các nghị quyết HĐQT nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Bibica có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, chiếm 20% thị phần bánh kẹo trong nước. Công ty có điều kiện về cơ sở vật chất, kế hoạch phát triển sản phẩm, nhưng vướng phải sự bất đồng nêu trên. ĐHCĐ thường niên của Bibica tới đây có giải quyết được mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông và các thành viên HĐQT? Cổ đông SSI sẽ làm gì để dọn đường cho Bibica phát triển - một công ty mà họ đánh giá là tiềm năng? ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn biến mới.