Bị tố “hành” doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói gì?

(ĐTCK) Bị Công ty TNHH Pizza Việt Nam tố gây khó dễ khi phải sau 14 tháng mới giải quyết xong thủ tục điều chỉnh Giấy Chứng nhận đầu tư (GCNĐT), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có văn bản giải trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, UBND TP. Hà Nội cũng như phản hồi tới Công ty Pizza Việt Nam.
Việc giải quyết hồ sơ cho Công ty Pizza nằm ngoài thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Việc giải quyết hồ sơ cho Công ty Pizza nằm ngoài thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

“Không phải lỗi của Sở”

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, khẳng định như vậy trong cuộc làm việc với ĐTCK ngày 7/5/2014, khi trả lời câu hỏi: “Có hay không việc Sở ‘làm khó’ DN, như phản ánh của ông Alain Candy, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Pizza Việt Nam tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây. Theo ông Alain Candy, Sở Kế hoạch và Đầu tư  Hà Nội sau 14 tháng mới giải quyết xong thủ tục điều chỉnh GCNĐT cho Công ty Pizza, trong khi việc giải quyết hồ sơ có tính chất tương tự trước năm 2013 chỉ mất 2 tuần, cũng như việc giải quyết hồ sơ mở thêm 3 cửa hàng từ tháng 2/2014 đến nay đang diễn ra chậm trễ.

“Sự chậm trễ trên không phải do lỗi của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, mà do các đơn vị liên quan”, ông Dũng khẳng định và cho biết chi tiết của vấn đề này đã được Sở đề cập tại Văn bản 1555 ngày 6/5/2014 mà Sở gửi Công ty Pizza và Văn bản 1571 ngày 7/5/2014 của Sở gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, UBND TP. Hà Nội.

Theo đó, ngày 3/1/2013, Công ty Pizza nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị điều chỉnh GCNĐT, với nội dung bổ sung 2 địa điểm kinh doanh tại gian hàng 409 Tòa nhà Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza Hà Đông và số 409 Kim Mã (Hà Nội); đồng thời xin tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô dự án. Theo nội dung của GCNĐT 01112000007 do UBND TP. Hà Nội cấp cho chi nhánh Công ty Pizza, dự án có mục tiêu “sản xuất các loại thức ăn nhanh”, nên thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định tại Biểu cam kết dịch vụ WTO. Cụ thể, “dịch vụ cung cấp thức ăn nhanh và đồ uống không hạn chế, ngoại trừ trong vòng 8 năm kể từ ngày gia nhập, việc cung cấp dịch vụ cần tiến hành song song với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại khách sạn. Sau đó không hạn chế…”.

Với quy định trên, theo ông Dũng, việc giải quyết hồ sơ bổ sung 2 địa điểm kinh doanh cho Công ty Pizza sẽ không gặp vướng mắc, nếu các địa điểm kinh doanh mới gắn liền với quá trình xây dựng, cải tạo hoặc mua lại khách sạn. Tuy nhiên, do 2 địa điểm kinh doanh mới không đáp ứng được các điều kiện này, nên việc giải quyết hồ sơ cho Công ty Pizza nằm ngoài thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Bởi vậy, ngày 9/1/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có văn bản xin ý kiến thẩm tra của Bộ Công thương và các cơ quan liên quan theo đúng các quy định của pháp luật. Quá 15 ngày theo quy định về giải quyết hồ sơ, nhưng chưa nhận đủ ý kiến thẩm tra của các ngành liên quan, nên ngày 30/1/2013, Sở đã có văn bản thông báo tình trạng giải quyết hồ sở gửi Công ty Pizza; trước đó, ngày 21/1/2013 đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương các vướng mắc và kiến nghị phương án giải quyết, nhằm gỡ khó cho DN. Cụ thể, Sở đề xuất với Bộ được cấp, điều chỉnh GCNĐT trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống khi NĐT đáp ứng các điều kiện: có địa điểm thực hiện dự án tại các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn có quy hoạch khu vực dịch vụ công cộng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh này.

Ngày 7/2/2013, Bộ Công thương có Văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, với nội dung: “Bộ Công thương đang thụ lý hồ sơ điều chỉnh GCNĐT của chi nhánh Công ty TNHH Pizza Việt Nam, Công ty liên doanh TNHH KFC Việt Nam, chi nhánh Công ty TNHH Jolliebee Việt Nam. Do việc điều chỉnh GCNĐT của các DN trên liên quan đến mở rộng chuỗi cơ sở chế biến và bán đồ ăn nhanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời có một số yếu tố mang tính lịch sử, nên Bộ Công thương đang tích cực tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho các trường hợp này. Bộ Công thương sẽ sớm thông báo ý kiến thẩm tra các hồ sơ trên tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội…”.

Theo ông Dũng, sau khi nhận được phản hồi trên, Sở đã có thông báo ý kiến của Bộ Công thương và tình trạng giải quyết hồ sơ tới Công ty Pizza. Tiếp đó, Bộ Công thương có hai văn bản khẳng định việc giải quyết hồ sơ cho công ty này phải tuân thủ các cam kết WTO. Nhận thấy nếu thực hiện theo hướng này là khó khả thi, chưa phù hợp với thực tế, nên để gỡ khó cho Công ty Pizza và 5 DN khác, Sở đã kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương có hướng giải quyết.

Ngày 23/9/2013, Bộ Công thương có văn bản trả lời với nội dung: “Bộ Công thương chấp thuận chủ trương cho phép mở cửa sớm hơn so với cam kết WTO theo hướng: từ nay đến ngày 1/1/2015, cho phép các DN FDI được thuê cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khách sạn, hoặc căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại… có quy hoạch khu dịch vụ ăn uống phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của DN. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan quản lý đầu tư ở địa phương, Bộ Công thương sẽ có ý kiến thẩm tra đối với từng hồ sơ cụ thể”.

Ngày 4/11/2013, Bộ Công thương có Văn bản 9986/BCT-KH gửi Sở KHĐT Hà Nội trả lời thẩm tra hồ sơ điều chỉnh của Công ty Pizza. Theo đó, cho phép Công ty Pizza được mở thêm một số cửa hàng. Trên cơ sở này, ngày 8/1/2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có báo cáo thẩm tra trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt GCNĐT điều chỉnh cho Công ty Pizza vào ngày 17/1/2014.

“Do thời gian chờ ý kiến thẩm tra, hướng dẫn của Bộ Công thương kéo dài tới 11 tháng,  khiến cho việc giải quyết hồ sơ của Công ty Pizza chậm trễ”, ông Dũng nói.

Đề xuất hướng gỡ “cả gói”

Theo ông Alain Candy, từ tháng 2/2014 đến nay, Công ty Pizza vẫn gặp trở ngại khi đề nghị cấp phép mở thêm 3 cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội yêu cầu Công ty bổ sung các loại giấy tờ mà Công ty đã nộp cách đây 14 tháng (khi nộp hồ sơ đề nghị mở thêm 2 cửa hàng).

Giải đáp thắc mắc trên, ông Dũng cho hay, đúng là trong hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động cho 3 cửa hàng mới của Công ty Pizza, có nhiều loại giấy tờ Công ty đã nộp trong các lần cấp phép trước đây.

“Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mỗi lần xin cấp phép, Công ty phải nộp đầy đủ các loại giấy tờ, mặc dù các loại giấy này đã nộp trong các lần đề nghị cấp phép trước đây. Chừng nào có dữ liệu điện tử, cũng như quy định pháp lý đồng bộ và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, Sở mới có cơ sở cho phép DN không phải nộp các loại giấy tờ đã nộp trong các lần trước đó”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, để tạo thuận lợi cho DN, tại Công văn 1571, Sở đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội từ nay đến ngày 1/1/2015, thời điểm kết thúc lộ trình cam kết quy định điều kiện tại Biểu cam kết dịch vụ WTO đối với dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống, cho phép Sở được thực hiện thủ tục đăng ký cấp, điều chỉnh GCNĐT đối với các trường hợp NĐT đề nghị cấp GCNĐT gắn với thành lập DN, điều chỉnh GCNĐT mở rộng đầu tư của DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đồ ăn, đồ uống có địa điểm kinh doanh tại khách sạn hoặc căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị… có quy hoạch khu dịch vụ ăn uống, mà không phải xin ý kiến thẩm tra đối với từng hồ sơ cụ thể như yêu cầu của Bộ Công thương. Sở chỉ phải thực hiện thủ tục thẩm tra (xin ý kiến của Bộ Công thương và UBND quận, huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh về sự phù hợp quy hoạch tuyến phố đối với các trường hợp khác, có địa điểm kinh doanh, thực hiện dự án không thuộc phạm vi nêu trên, chẳng hạn thuê nhà ở dân cư… Sở cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, quy định rõ các điều kiện, tiêu chí dự án cần đáp ứng khi thực hiện dự án đầu tư; định kỳ cập nhật, công bố công khai danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm, có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng áp dụng đối với NĐT nước ngoài.

Theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần hướng dẫn xử lý cụ thể đối với trường hợp hoạt động đầu tư, kinh doanh của NĐT nước ngoài trong những ngành, phân ngành, lĩnh vực dịch vụ chưa cam kết hoặc không được liệt kê trong Biểu cam kết dịch vụ WTO, theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và điều kiện kinh doanh tương ứng. Qua đó, tạo chủ động, minh bạch và thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính cho cả NĐT và cơ quan quản lý đầu tư tại địa phương.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục