Theo ông Nên, việc này không hoàn toàn mới, bởi lâu nay, lãnh đạo Thành phố có trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra. Tuy nhiên, năm nay, Thành phố được phân bổ nguồn vốn đầu tư công quá lớn, trong khi cán bộ Thành phố đang quá tải là sự thật.
Ông Nên cho rằng, việc trực tiếp đi kiểm tra chủ yếu để tháo gỡ tâm lý cho cán bộ, để nhìn thấy khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ ngay những phát sinh của từng đầu việc.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, qua kiểm tra, làm việc, tổ công tác sẽ nhìn nhận được phương pháp làm, trình độ năng lực, ý chí quyết tâm của cán bộ công chức có làm đúng, làm tốt chức trách được giao hay không.
Từ đó, việc nào cần chia sẻ thì sẽ chia sẻ, cần uốn nắn sẽ uốn nắn, cần tăng cường sẽ tăng cường, cần thay đổi sẽ thay đổi và cần xử lý sẽ xử lý. “Lãnh đạo Thành phố mong muốn gần gũi thêm với anh em để thấu hiểu những khó khăn trong thực tế”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói thêm.
Chia sẻ thêm về cách thức kiểm tra, giám sát, ông Nên cho biết tổ công tác sẽ mời thêm các sở, ngành có liên quan đi cùng để họ giám sát, theo dõi ngay từ đầu. Đồng thời là tham gia vào những khâu thuộc trách nhiệm của họ.
Ông Nguyễn Văn Nên sẽ làm tổ trưởng tổ giám sát dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM - Metro 1. Ảnh: Lê Toàn. |
Trước đó, Thành ủy TP.HCM đã ban hành thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Việc thành lập tổ công tác trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn nhiều tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan.
Do đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và nhiều lãnh đạo Thành phố sẽ làm tổ trưởng trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ 40 dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn nên, Bí thư Thành ủy sẽ theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với 3 dự án, gồm: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); giai đoạn 1 dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) và dự án Cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy sẽ theo dõi, kiểm tra, giám sát 5 dự án, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới THủ Thiêm; dự án Xây dựng nút giao thông An Phú; dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội; dự án Đầu tư xây dựng đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố sẽ theo dõi, kiểm tra, giám sát 5 dự án, gồm: Dự án thành phần 2 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3; xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng; mở rộng, nâng cấp TL8; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; xây dựng cầu Long Kiểng.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với 4 dự án, gồm: dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2); cải tạo, xây dựng Bệnh viện An Bình (giai đoạn 2); đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Một số dự án khác như quốc lộ 50, nạo vét rạch Xóm Củi, cầu Rạch Đĩa; Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2... cũng được các thành viên Thường trực Thành ủy và các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng giám sát.
Các tổ sẽ kiểm tra, đôn đốc việc bố trí vốn và kế hoạch năm 2023, nhu cầu vốn bổ sung; giám sát tiến độ giải ngân và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời bàn giao mặt bằng; chỉ đạo tháo gỡ hoặc đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc ở từng công trình...