Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra lợi thế khi doanh nghiệp đầu tư vào TP.HCM

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM sáng 8/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra nhiều lợi thế mà các doanh nghiệp sẽ có được khi đầu tư vào TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra nhiều lợi thế mà doanh nghiệp đầu tư vào TP.HCM có được. Ảnh: Lê Toàn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra nhiều lợi thế mà doanh nghiệp đầu tư vào TP.HCM có được. Ảnh: Lê Toàn

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như nêu những thắc mắc, đề xuất trong quá trình tiếp cận các dự án đang kêu gọi đầu tư để cùng thành phố tiếp tục đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Thành phố mong các doanh nghiệp hãy đến với TP.HCM bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. 

Trước cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra những lợi thế mà nhà đầu tư có được khi tới với TP.HCM. Đó là:

Doanh nghiệp khi đầu tư tại TP.HCM sẽ có lượng khách hàng rất lớn để tiêu thụ sản phẩm, vì TP hiện nay có hơn 9 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 7.000 USD.

Trong vòng 100 km từ TP.HCM, các doanh nghiệp sẽ tiếp  cập với 8 tỉnh tiếp giáp TP.HCM, nơi có 20 triệu người sống và làm việc.

Đặc biêt, thành phố hiện có đủ lao động để cung cấp cho các doanh nghiệp trong và người nước tới TP.HCM đầu tư. Lao động tại TP.HCM là lao động trẻ, có kinh nghiệm và được đào tạo tay nghề cao. Bên cạnh đó, chi phí lương lao động của Việt Nam là khoảng 2USD/1h, nên khi tới Việt Nam đầu tư sẽ có đủ lao động và với mức trả lương thấp.

Ngoài ra, TP.HCM hiện có hàng chục trường đại học, mỗi năm có hàng triệu người tốt nghiệp đại học, hàng trăm trung tâm nghiên cứu công nghệ cao để đáp ứng cho doanh nghiệp cần.

Thêm nữa, TP.HCM đang có cơ chế mới về đất cho nhà đầu tư. Trong đó TP đang thỏa thuận với người dân để cùng tạo quỹ đất cho nhà đầu tư. TP cũng đang xây dựng thêm 1 khu công nghiệp rộng 600 ha để năm 2020 trở đi có thể chào hàng được cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, TP.HCM đang thực hiện một chiến lược về phát triển kinh tế số bằng việc xây dựng đô thị thông minh và người dân hạnh phúc. Đồng thời, TP đang xây dựng TP có hệ thống hạ tầng số hóa viễn thông tốt nhất Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu số hóa của doanh nghiệp và người dân có được tốt nhất.

TP.HCM cũng đang xây dựng khu đô thị sáng tạo, và hiện TP đã chọn được 7 nhà tư vấn (6 nhà tư vấn nước ngoài, 1 nhà tư vấn Việt Nam) và sẽ chọn ra 2 nhà tư vấn tốt nhất để giúp TP.HCM phát triển kinh tế số và chi thức tốt nhất.

TP.HCM cũng bắt đầu khởi động chương trình trí tuệ nhân tạo. Trong đó lãnh đạo TP.HCM sẽ đi các nước có nền phát triển trí tuệ nhân tạo để áp dụng vào TP.HCM từ năm 2019-2025.

Tiếp đó, TP sẽ nghiên cứu mở rộng TP sáng, nhiều cây xanh hơn. Làm cho thành phố đáng sống và đẹp hơn. Và Chủ nhật tới sẽ công bố 4 cấu thành của đô thị thông minh để vận hành thí điểm cho TP.HCM. Bên cạnh đó, giáo dục thông minh, kinh tế thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh… Hoàn thành 2 đường vành đai, 4 đường cao tốc cũng được TP phát triển.

“Nếu doanh nghiệp khó chịu về giao thông, tôi mong các doanh nghiệp chịu khó chịu thêm vài năm nữa chúng tôi sẽ giải quyết hài lòng về giao thông cho các doanh nghiệp. Chúng tôi phấn đấu năm 2021 sẽ biến rác thành điện, mỗi ngày TP có 9.000 tấn rác, chính vì vậy nếu doanh nghiệp nào muốn đầu tư đốt rác thành điện thì hãy đến TP.HCM biến rác thành điện”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của TP đang rất lớn, với 60% nhà là bán kiên cố và muốn đổi từ bán kiên cố sang kiên cố. Và dự án này cần các doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước tham gia. Các doanh nghiệp đến TP đầu tư ở lại lâu hơn nữa để phát triển cùng TP.HCM.

Một điểm mới của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 là ngoài phần trao đổi chính thức, có hai phiên trao đổi trực tiếp giữa đơn vị chủ quản dự án và nhà đầu tư cụ thể theo các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao, du lịch – giải trí, do ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND và ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục