Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng: 2022 sẽ là năm “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”

Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hải Dương trong năm Nhâm Dần 2022 là thích ứng linh hoạt và tăng trưởng bứt phá.
Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng: 2022 sẽ là năm “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”

Cuộc trò chuyện với Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng diễn ra trong không khí cởi mở và gần gũi, khi ngoài kia, Xuân mới đang về!

Với phong thái nhẹ nhàng, cởi mở, thẳng thắn, Bí thư Phạm Xuân Thăng đã phác họa con đường phát triển của vùng đất Xứ Đông địa linh nhân kiệt, về sự đoàn kết, đồng lòng trong gian khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương.

Năm 2021 đã qua, với Hải Dương là những tháng ngày cam go, nhiều thử thách, song đó chính là “lửa thử vàng” để Hải Dương vượt lên, để hướng tới những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo.

Phải khẳng định rằng, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Hải Dương đã đạt được những thành công vững chắc. Ổn định đời sống kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, duy trì và phát triển sản xuất. Đó chính là điểm tựa, là nền móng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương vững tin bước vào năm mới Nhâm Dần 2022.

Cuối năm 2021, tin vui đến với Hải Dương khi dự án trị giá gần 300 triệu USD được ký kết giữa Đại An và đối tác Hàn Quốc! Có lẽ, ông là người vui nhất!

Ngày 3/12/2021, Đại An ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc) để đầu tư Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Gia Lộc, diện tích 490 ha, với tổng vốn đầu tư 298 triệu USD.

Có thể nói, đây là một trong những giải pháp nhằm tăng sức hút đầu tư, hấp dẫn của bản thân doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Dương, mà Công ty cổ phần Đại An là doanh nghiệp tiên phong trong sự thay đổi này, góp phần cùng chính quyền tỉnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến; từ đó gia tăng chất lượng dòng vốn. Đây là niềm vui không chỉ đối với cá nhân tôi, mà đó là niềm vui chung của Đảng bộ, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hải Dương sau nhiều nỗ lực, cố gắng trong thu hút đầu tư FDI.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp xúc với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp xúc với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Một phong thái rất ấn tượng của ông trong video clip xúc tiến đầu tư trước chuyến thăm Hàn Quốc, Ấn Độ. Một hình ảnh lãnh đạo địa phương trẻ trung, năng động, thân thiện, lịch lãm, cầu thị. Đó có phải cách xúc tiến đầu tư mới mẻ nhằm định vị của Hải Dương là điểm đến của các nhà đầu tư không?

Đúng vậy! Năm 2022, Hải Dương lấy chủ đề năm là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”. Tỉnh đã xác định, muốn bứt phá thì phải mở rộng xúc tiến đầu tư, không tuần tự như mọi năm. Chính vì vậy, chúng tôi coi mỗi lãnh đạo tỉnh là một đầu mối để tham gia xúc tiến đầu tư; tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch… Việc làm video clip để xúc tiến đầu tư không hề mới, tuy nhiên, việc xây dựng hình ảnh lãnh đạo địa phương thân thiện, cầu thị là hình ảnh mà Hải Dương hướng tới, với mong muốn hình ảnh “cô gái” Hải Dương “đẹp, thân thiện, mến khách, nhiều tiềm năng” sẽ được nhiều nhà đầu tư biết đến và quan tâm.

Được biết, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến Hải Dương.

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, công ty của Hàn Quốc (Lotte, Samsung, Daewoo, Hanwa…), tiếp chủ tịch liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc, dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hội đàm chính thức với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc…

Đặc biệt, tại Diễn đàn Doanh nghiệp, Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức ký kết, trao 15 bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hai nước. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã ký, trao 4 bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Daewoo D&C, Hiệp hội Năng lượng, Hiệp hội Smart City Hàn Quốc và Công ty Sein I&D. Các doanh nghiệp này mong muốn được đầu tư vào Hải Dương trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp - đô thị, phát triển đô thị thông minh theo định hướng phát triển của tỉnh và tỉnh Hải Dương đã cam kết, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, cùng các doanh nghiệp sớm triển khai các bản MOU đã ký.

Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Hàn Quốc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã ký, trao 4 bản ghi nhớ, cũng như gặp gỡ tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc.

Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Hàn Quốc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã ký, trao 4 bản ghi nhớ, cũng như gặp gỡ tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc.

Hải Dương đã lên kế hoạch để đón các nhà đầu tư như thế nào, thưa ông?

Hải Dương hiện có nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 khu công nghiệp (KCN), 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Trong năm 2021, Hải Dương hoàn thiện hạ tầng 6 KCN mới với tổng diện tích 1.176 ha, cùng với một số cụm công nghiệp được thành lập. Tính chung, tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh hiện có và sẵn sàng thu hút đầu tư là trên 2.000 ha.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh quy hoạch 15 KCN với tổng diện tích đất công nghiệp trên 10.000 ha; đặc biệt, tỉnh Hải Dương đang quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, vị trí kết nối nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô. Phạm vi quy hoạch khoảng 10.000 ha, trong đó: gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics. Đồng thời, tỉnh cũng đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại Hải Dương với nhiều ưu đãi.

Có thể nói, Hải Dương đã sẵn sàng dư địa về hạ tầng để thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động, giá thuê mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố tích cực để mời gọi các nhà đầu tư.

Bí thư Phạm Xuân Thăng có cuộc tiếp xúc, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội đầu tư vào Hải Dương.

Bí thư Phạm Xuân Thăng có cuộc tiếp xúc, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội đầu tư vào Hải Dương.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư - kinh doanh thành công tại Hải Dương, bởi họ nhận thấy nơi đây có nhiều điểm riêng có, để họ không những yêu mến vùng đất này, mà còn là “sứ giả” quảng bá hình ảnh của Hải Dương ra quốc tế.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 492 dự án FDI, với tổng vốn 9,227 tỷ USD. Thu hút được vốn đầu tư từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại tỉnh, dẫn đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc... Có doanh nghiệp đã nhiều lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Hải Dương, tiêu biểu như Công ty Ô tô Ford Việt Nam, Nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Đại An, Công ty TNHH Kafeco, Công ty TNHH Sumidenso..., đây là những công ty đã gắn bó với Hải Dương rất nhiều năm.

Hải Dương là tỉnh đi đầu cả nước trong việc bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, chỉ đạo tháo gỡ, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn về nguồn vắc xin phòng Covid-19, tỉnh vẫn ưu tiên tiêm phòng cho các chuyên gia, người lao động nước ngoài, tổ chức tiêm phòng cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, phân xưởng để bảo đảm duy trì sản xuất cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, đó chính là những “nét riêng” để cho mỗi nhà đầu tư đến với Hải Dương không những yêu mến, mà còn là “sứ giả” lan tỏa, quảng bá hình ảnh của Hải Dương ra bên ngoài. Tỉnh luôn trân trọng và đồng hành cùng doanh nghiệp, sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là của tỉnh.

Bí quyết gì tạo nên một Hải Dương luôn là điểm đến của nhà đầu tư, thưa ông?

Thứ nhất, tỉnh kiên trì nguyên tắc tạo đồng bộ trong thu hút đầu tư, chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; chủ động về nguồn nhân lực với trên 60% người dân trong độ tuổi lao động (khoảng 1,4 triệu người), có trình độ tay nghề cao; tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tiếp nhận dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh...

Thứ hai, tỉnh không thu hút FDI bằng mọi giá, thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển bền vững. Quan điểm nhất quán là không phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà là thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân...

Thứ ba, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ việc đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất giải quyết những khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình doanh nghiệp FDI thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo môi trường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định..., giúp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cuối cùng, tỉnh cũng như lãnh đạo các cấp, các ngành không chủ quan, chỉ nhìn vào những mặt tốt, mà luôn thẳng thắn nhìn nhận cả những mặt hạn chế trong thu hút đầu tư. Để từ đó đưa ra những giải pháp và định hướng thu hút đầu tư sao cho hiệu quả, phát triển bền vững, lâu dài và phát huy tối đa được những lợi thế của tỉnh.

Sau một năm bộn bề, nhiều lúc là cân não, lúc này, khi nhìn lại quãng thời gian đầu năm 2021, khi Covid-19 ập đến, ông nhớ nhất điều gì?

Thời điểm dịch bùng phát tại Hải Dương cũng là lúc đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lãnh đạo tỉnh đều đang dự Đại hội tại Thủ đô Hà Nội. Đó cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đây thực sự là một thử thách lớn, có thể nói là rất lớn với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hải Dương. Bởi đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khoá mới. Và cũng là thách thức lớn về y tế do đại dịch Covid-19 mà tỉnh gặp phải.

Tôi không bao giờ quên được, ngay tại Đại hội Đảng XIII, Hải Dương đã báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Đại hội, xin phép để Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành ủy Chí Linh (nơi ổ dịch lớn phát sinh) về chỉ đạo chống dịch và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp trực tuyến từ Hà Nội, tranh thủ từng giờ, từng phút nghỉ của Đại hội để điều hành, chỉ đạo công tác chống dịch của tỉnh.

Những quyết sách nhanh của tỉnh Hải Dương trong đại dịch Covid-19 đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh

Những quyết sách nhanh của tỉnh Hải Dương trong đại dịch Covid-19 đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh

Những quyết sách nhanh của Hải Dương để ổn định tình hình, gỡ khó cho nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh đó là sự quyết đoán, kịp thời?

Với phương châm “tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm”, có thể khẳng định Hải Dương hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước mắt, nhằm khắc phục những tác động tiêu cực, nghiêm trọng và sâu rộng của dịch bệnh Covid-19 đến sự phát triển, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, tài chính, thuế, phí, thương mại, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính... Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút vốn FDI.

Thực hiện phương châm đó, suốt 1 năm qua, tôi, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo các ban, sở, ngành liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Số điện thoại, email của Bí thư được công khai. Và tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi đến các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Và cũng chính từ nhiều cuộc gọi đó, khó khăn đã kịp thời được tháo gỡ cho doanh nghiệp trong giải quyết nhu cầu đi lại cho công nhân, người lao động...

Việc tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Ford Việt Nam về đề nghị Bộ Công thương cấp giấy phép dây chuyền sản xuất ô tô Ford Ranger đã được đối tác ghi nhận sâu sắc. Lãnh đạo tỉnh đã cùng với Ford Việt Nam kiến nghị Chính phủ rà soát và sớm ban hành quyết định gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp ô tô được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, được Chính phủ chấp thuận tiếp tục cho thực hiện Chương trình này tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021. Với những việc làm cụ thể như trên Ford đánh giá rất cao sự đồng hành của tỉnh, đồng thời quyết định năm 2022 sẽ đưa thêm một dòng xe ô tô nữa về sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương.

Có thể thấy, tập thể lãnh đạo Hải Dương rất bình tĩnh, và có nhiều quyết sách phù hợp khi mà dịch bùng phát ở Chí Linh trong đợt dịch thứ 3 của cả nước. Lúc này, Hải Dương không chỉ được coi là phép thử trong phòng chống dịch của tỉnh, mà còn là những bài học thực tiễn sinh động nhất cho cuộc chiến phòng chống dịch của cả nước.

Đợt dịch thứ 3 của nước ta bất ngờ ập tới trên địa bàn tỉnh Hải Dương với một số lượng người nhiễm Covid-19 lớn nhất tính tới thời điểm đó. Tại Khu công nghiệp Chí Linh với số lượng công nhân đông, giáp Tết đặt ra những thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương. Với sự quyết tâm, trách nhiệm và đoàn kết, Hải Dương đã vượt qua thử thách, dập dịch thành công và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Bài học đầu tiên là kinh nghiệm cách ly và phải cách ly tập trung; chủ động phương án, kế hoạch cách ly tập trung cùng lúc nhiều người. Thời điểm cao nhất, tỉnh đã tổ chức 203 điểm cách ly tập trung (69 khu tuyến huyện và 134 khu tuyến xã) và cách ly gần 13.000 người, qua đó mới ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Bài học thứ hai là phong tỏa, khoanh vùng. Trong đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương, tỉnh đã thực hiện khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng, nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Trong tình huống cụ thể, chúng ta cũng không ngần ngại phong tỏa diện rộng, ví dụ quyết định phong tỏa ngay Chí Linh nhằm ngăn chặn mầm bệnh.

Bài học thứ ba là truy vết. Ngay từ đợt dịch đầu, Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng. Nhưng trường hợp có nhiều ca thì việc truy vết khó khăn hơn rất nhiều. Hải Dương rút ra bài học, đó là sự vào cuộc của lực lượng công an trong truy vết; đồng thời phát huy vai trò của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và vai trò của người dân trong phát hiện và phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ tính riêng việc huy động lực lượng tham gia tổ Covid cộng đồng, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thành lập được 10.107 tổ Covid cộng đồng, với hơn 21.200 tổ viên tham gia. Trong đó, đông nhất là TP. Hải Dương với 1.212 tổ với sự tham gia của 2.430 người; Chí Linh 981 tổ với 2.068 người; Kinh Môn: 950 tổ với 1.951 người; Cẩm Giàng 931 tổ với 2.006 người…

Bài học thứ tư là xét nghiệm: chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính và sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện trộn mẫu nếu số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Nếu xét nghiệm càng nhanh thì việc khoanh vùng càng nhanh và khống chế dịch càng sớm.

Bài học thứ năm - quan trọng nhất, đó là đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia vào công tác chống dịch. Chính tinh thần đại đoàn kết đã tạo nên sức mạnh nội sinh, sức mạnh tổng lực để Hải Dương chiến thắng dịch bệnh. Người dân không những ủng hộ về chủ trương, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, mà còn góp công, góp của, góp sức lực và tinh thần để cùng chính quyền dập dịch thành công. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận hơn 99 tỷ đồng ủng hộ Quỹ toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và hơn 106 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 cùng nhiều thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm.

Bài học thứ sáu là trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng trong tất cả mọi công việc; chính các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, vì việc chung. Chính vì vậy, tạo nên sự cộng hưởng tích cực từ trên xuống, từ dưới lên, tạo niềm tin trong Nhân dân. Tôi cho rằng, “không thể có cấp dưới tích cực, chủ động nếu như người lãnh đạo không tích cực, chủ động”.

Điều quan trọng nhất, trải qua các đợt dịch cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và đã từng chiến thắng "kẻ thù giấu mặt" Covid-19.

Năm Tân Sửu vừa qua, triết lý “vượt khó, tăng tốc” đã thực sự giúp Hải Dương khẳng định được mình?

Tôi cũng hơi ngỡ ngàng về kết quả đạt được. Nhưng chúng tôi cũng không bất ngờ vì đó là kết quả tất yếu của những nỗ lực cố gắng trong cả năm, nhất là giai đoạn tăng tốc nửa cuối năm 2021.

Chúng tôi đã làm tất cả để duy trì chuỗi cung ứng trong giai đoạn phong toả do dịch bệnh Covid-19, như phối hợp các tỉnh bạn để đảm bảo giao thông vận chuyển hàng hoá duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ nông sản, tỉnh đã triệt để ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản dẫn đến giá trị nông sản tăng cao, việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử cũng thuận lợi hơn, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội cho mình, và chuyển đổi số trong năm qua chính là một ví dụ sinh động.

Bí thư Phạm Xuân Thăng gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Bí thư Phạm Xuân Thăng gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Và Hải Dương đã đạt được những con số phát triển rất ấn tượng trong năm 2021, thưa ông?

Đối với tỉnh Hải Dương, dịch bệnh ảnh hưởng lớn trong quý I, nên tỉnh có tăng trưởng âm. Tuy nhiên, do thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời “khơi thông” được những điểm nghẽn, nên các quý còn lại trong năm tăng trưởng đều đạt rất cao, trên 11%; giúp tăng trưởng cả năm 2021 đạt 8,6% vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; cao thứ 8/63 địa phương cả nước và thứ 4/11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 6,8%; công nghiệp - xây dựng là 13,5% (công nghiệp +15,6%, xây dựng -3,6%); dịch vụ tăng 0,8%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 7,6%. Quy mô nền kinh tế năm 2021 (theo giá hiện hành) ước đạt 149.090 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 địa phương toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 77,0 triệu đồng, tương đương 3.360 USD, đứng thứ 16/63 trong toàn quốc.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2021 là hoạt động sản xuất nông nghiệp do năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng (rau màu vụ đông, cây lâu năm, cây lúa) đều tăng khá; hoạt động chăn nuôi gia cầm phát triển, đàn lợn phục hồi khá tốt; Các ngành công nghiệp như may mặc, sắt thép, ô tô và phụ tùng ô tô đều tăng khá; đặc biệt Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương (thị xã Kinh Môn) hoạt động đủ 2 tổ máy từ tháng 2 năm nay làm cho sản lượng điện sản xuất của tỉnh tăng 52,7%.

Năm 2022, Hải Dương đưa ra chủ đề “Thích ứng linh hoạt - Tăng trưởng bứt phá”, với hàm nghĩa thế nào, thưa ông?

Để đặt ra chủ đề này, trước hết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã rất cân nhắc và thảo luận kỹ. Thích ứng linh hoạt - đó là một giải pháp của Chính phủ, của Trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ đạo nhất quán trong phòng chống dịch Covid-19. Thực tế chứng minh trong thời gian “thích ứng linh hoạt” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì số ca bệnh trong tỉnh tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, cho thấy rằng tỉnh Hải Dương hoàn toàn thích ứng linh hoạt, kể cả với chủng virus mới để tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Thứ hai, sang năm 2022, tỉnh hoàn toàn có cơ hội để tăng trưởng bứt phá với mục tiêu phấn đấu 2 con số, đạt tăng trưởng tối thiểu 10%. Bởi, năm 2021, bên cạnh nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thì đó cũng là năm tạo nền tảng cho 4 năm giai đoạn 2021-2025, cho 10 năm tới.

Hải Dương đã cơ bản hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tư duy phát triển mới, tầm nhìn mang tính đột phá; tập trung xây dựng chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng thời, có sự chuẩn bị đầu tư, các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân sách nhà nước đang chuẩn bị tích cực ở năm 2021 và sẽ được giải ngân, khởi công vào năm 2022. Ngay đầu năm 2022 sẽ có hàng loạt công trình trọng điểm được triển khai với tổng số vốn hàng ngàn tỷ đồng.

Vậy, đâu là trọng tâm phát triển của Hải Dương?

Như vậy, nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2022 là thích ứng linh hoạt và tăng trưởng bứt phá. Toàn hệ thống chính trị sẽ “thích ứng linh hoạt”, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, phân cấp mạnh cho từng huyện, từng xã cho tới từng khu dân cư trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn của mình, quyết định và tự chịu trách nhiệm về những biện pháp đó, tỉnh hỗ trợ, tăng cường cả về kinh phí, con người, lực lượng.

Cùng với đó, tỉnh tập trung bao phủ vaccine 2 mũi đầy đủ, thực hiện 5K kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức tự giác trong từng gia đình, từng cá nhân và tổ chức sản xuất - kinh doanh, các hoạt động xã hội, trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh. Chúng ta phải quen dần với điều đó, sẵn sàng với việc phong tỏa, cách ly nhưng ở diện hẹp, đảm bảo không bị gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như các hoạt động giáo dục, đào tạo…

Để tăng trưởng bứt phá, tỉnh xác định phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện tất cả các công việc với một quyết tâm chính trị cao hơn, với một nỗ lực lớn hơn, với một cách làm sáng tạo hiệu quả hơn và chỉ có nhanh hơn mới bứt phá. Vấn đề lớn nhất là thời gian để thực hiện các nhiệm vụ cần được khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thì mới tạo được sự bứt phá.

4 trụ cột kinh tế của tỉnh Hải Dương theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đó là: (1) Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; (2) Nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; (3) Dịch vụ chất lượng cao; (4) Đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.

Trụ cột thứ nhất về phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ đã cho thấy giá trị (năm 2021 tăng 15,6%). Đây thực sự là điểm sáng, động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế của tỉnh Hải Dương đạt được sự tăng tốc như trong thời gian vừa qua. Cùng với đó tỉnh đã hoàn thiện thủ tục đầu tư 4 khu công nghiệp, triển khai mới 2 khu công nghiệp với tổng diện tích hạ tầng cho thuê gần 1.100 ha; được bổ sung vào quy hoạch 3 khu công nghiệp với diện tích gần 1.000 ha; cùng với việc quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và kiểm soát tốt dịch bệnh trong hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.

Trụ cột thứ hai về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, sử dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu. Ngay từ năm 2021, tỉnh đã ứng dụng các giải pháp về thương mại điện tử, về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên không gian số. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 20.308 tỷ đồng, tăng 6,9%, cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra là 2%. Hải Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao nhất cả nước.

Trụ cột thứ ba, về lĩnh vực dịch vụ. Nhìn lại năm 2021, mảng kinh tế dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn. Mức độ tăng trưởng không được nhiều, nhất là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh được hồi phục khá nhanh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong quý IV có nhiều khởi sắc hơn các quý còn lại. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2021, đạt 71.468 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; chỉ có dịch vụ vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải năm 2021 giá trị giảm 2,1% so với cùng kỳ.

Về trụ cột thứ tư, phát triển đô thị xanh thông minh, hiện đại, Hải Dương đã và đang tiến hành lập quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để xúc tiến, triển khai một loạt các đô thị lớn, định hướng tăng trưởng xanh, định hướng sinh thái và có hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại.

Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, lãnh đạo tỉnh đang phác thảo ý tưởng trở thành một thành phố quốc tế - nơi hội tụ sáng tạo, đổi mới của khu vực, ông có thể chia sẻ về ý tưởng này?

Hải Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Muốn đạt được khát vọng đó, với chiến lược phát triển "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số", Hải Dương sẽ tận dụng những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hệ thống giao thông kết nối liên vùng, những dư địa về nguồn nhân lực, đất đai; đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI để phát triển bứt phá. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư FDI phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; sản xuất dược - thuốc chữa bệnh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Trong năm 2022, Hải Dương sẽ hoàn thiện hạ tầng 6 khu công nghiệp với diện tích 1.170 ha để sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tư. Giai đoạn 2021 -2030, sẽ có 15 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 10.000 ha. Đặc biệt trong đó, Hải Dương quy hoạch vùng công nghiệp động lực tại hai huyện Bình Giang và Thanh Miện với diện tích trên 6.000 ha; đây là vùng công nghiệp có nhiều khả năng được chấp thuận là khu kinh tế vì có vị trí thuận lợi thu hút đầu tư FDI, nằm ngay nút giao kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5A, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 25 phút và cảng Hải Phòng khoảng 60 phút di chuyển. Đây sẽ là vùng tạo động lực phát triển cho cả vùng và khu vực, sẽ là nơi hội tụ, sáng tạo với các dự án công nghiệp - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Là người trải qua nhiều cương vị công tác, để đảm đương tốt cương vị của người đứng đầu một địa phương, thì cá nhân người lãnh đạo cần có phẩm chất, năng lực, ý chí, khát vọng thế nào, thưa ông?

Nhìn lại một năm 2021 đầy biến động, nỗ lực, tôi khẳng định là những định hướng chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII là trúng, đúng và phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Với tư duy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng - vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc, soi lại thực tiễn năm qua với tư duy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, với các trụ cột, với các triết lý, các trục, trung tâm phát triển thì tỉnh đang đi đúng hướng, đúng với xu thế. Ban đầu khái niệm tăng trưởng xanh còn rất xa lạ, nhưng gần đây đã rất quen thuộc. Trực tiếp Thủ tướng Chính phủ tham gia những diễn đàn về tăng trưởng xanh, các nước đi theo tăng trưởng xanh, nhiều tỉnh đi theo tăng trưởng xanh. Đồng thời, có thể thấy là chuyển đổi số rất rõ. Rõ ràng nhờ chuyển đổi số, chúng ta có sự tăng trưởng, phát triển như năm vừa qua.

Với cương vị người đứng đầu, tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu; Phát huy sức mạnh đoàn kết trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từ đó lan tỏa trong toàn Đảng bộ thì tỉnh mới có thể vượt qua khó khăn trong đại dịch, có thể tăng tốc về đích.

Khát vọng phát triển là điểm rất mới trong tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhưng để khát vọng này thấm hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa thì người đứng đầu phải gương mẫu, lan tỏa để tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ và chỉ có đoàn kết, đi cùng nhau mới thực hiện được khát vọng đưa tỉnh Hải Dương phát triển.

Khi dự Hội nghị công bố sách Trắng ở châu Âu, tôi rất tâm đắc với câu nói của một diễn giả châu Âu: “Thà cùng nắm tay nhau đi trong bóng tối còn hơn là một mình đi ngoài ánh sáng", hiểu rộng ra nghĩa là, sự đoàn kết sẽ tạo, khơi nguồn sức mạnh nội sinh, tiềm năng trong mỗi con người, mỗi tập thể, mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Thứ hai, người đứng đầu phải có quan điểm thống nhất, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo theo đúng tinh thần "5 rõ" thì hiệu quả mới cao. Rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, cuối cùng là rõ trách nhiệm. Cùng với đó, người đứng đầu phải “6 dám”; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung...

Thực hiện phương châm đó, suốt 1 năm qua, tôi, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo các ban, sở, ngành đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, củng cố lòng tin, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhân ái của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận xã hội, cùng chung tay hành động và phát huy các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc và người Xứ Đông.

Hải Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hải Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thanh Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục