Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu

Thị trường máy bay tư nhân siêu VIP đang mở rộng mạnh mẽ tại châu Á.
Boeing và Airbus thay nhau thống trị thị trường máy bay VIP. Boeing và Airbus thay nhau thống trị thị trường máy bay VIP.
Phòng ngủ pha trộn giữa phong cách hiện đại và cổ điển, giường đôi cỡ to, nội thất sang trọng, rượu sâm-panh luôn sẵn sàng và một tầm nhìn siêu đẹp – đây không phải là những tiện nghi của một khách sạn 5 sao. Nếu bạn có rất, rất, rất nhiều tiền, bạn có thể tận hưởng tất cả những điều này trong khoang hành khách của Airbus A330 VIP – một “lâu đài bay” đúng nghĩa có trị giá lên tới 200 triệu USD.

Miếng bánh chia sẻ giữa Boeing và Airbus

Để phục vụ cho những khách hàng siêu giàu nhưng cũng siêu khó tính, các nhà sản xuất máy bay lớn thường phát triển các phiên bản VIP cho những mẫu máy bay bán chạy nhất của mình. Boeing có dòng Boeing Busines Jet (BBJ), trong khi Airbus giới thiệu những sản phẩm thuộc Airbus Corporate Jet (ACJ).

Thông thường, khách hàng sẽ tìm đến Airbus A320 hoặc Boeing 737, nhưng đối với một số người thực sự “không biết làm sao để tiêu hết tiền”, họ thường chọn những mẫu máy bay lớn hơn như Boeing 747, Airbus A340 hoặc, thậm chí là hai mẫu mới nhất Boeing 787 và Airbus A350.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 1

 Khung cảnh bên trong khoang ngủ của một "lâu đài bay"

Hiện có khoảng 300 chiếc máy bay VIP đang vận hành trên toàn thế giới. Một số thuộc về các chính phủ, được sử dụng để chuyên chở lãnh đạo quốc gia như Air Force One của Tổng thống Mỹ… Số còn lại thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn lớn và các cá nhân siêu giàu.

“Một số người mua máy bay cỡ nhỏ dành riêng cho khi đi công tác ít người, đồng thời mua cả máy bay cỡ to hơn khi đi du lịch với gia đình, bạn bè,” Richard Gaona, CEO của Comlux – một công ty Thụy Sỹ đảm nhận việc “hô biến” các máy bay Boeing và Airbus thành các siêu phẩm xa hoa theo yêu cầu của các cá nhân và tập đoàn lớn - cho biết.

Giá cả chưa bao giờ là vấn đề

Theo David Velupilai, giám đốc marketing của ABJ, trong khi các hãng hàng không nhìn vào tính kinh tế và hiệu suất sử dụng của các máy bay, thì những khách hàng tư nhân lại để ý đến chủng loại máy bay và khả năng bay. “Ví dụ như, các nhà lãnh đạo quốc gia muốn máy bay có thể bay xa mà không cần phải dừng lại giữa chừng.”

Một chiếc A330 được Comlux “độ lại” gần đây có thể chở được 60 hành khách và bay liên tục trong 17 giờ.

Bên cạnh những thông số kỹ thuật ấn tượng, đối với phần lớn giới lắm tiền, phần quan trọng nhất của một máy bay tư nhân chính là nội thất bên trong. Không có gì lạ, nếu số tiền chi cho trang hoàng nội thất vượt qua con số phải trả cho chiếc máy bay ban đầu.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 2

 Khách hàng hiếm khi "chùn tay" khi chi tiền cho các "cục cưng" biết bay của mình

Mặc dù các hãng sản xuất máy bay cũng có chuyên gia, nhưng thông thường, công việc tốn tiền này sẽ được giao cho các công ty chuyên biệt. Tại đó, một chiếc máy bay sau khi “độ” mặc dù hoàn toàn khác biệt so với ban đầu nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về an toàn và vận hành bay.

Sự ra đời của các mẫu máy bay mới như Boeing 787 và Airbus A350 với vật liệu nhẹ hơn nhiều so với máy bay truyền thống đã khiến công việc của các công ty nội thất máy bay càng thêm nhiều thử thách. “Vật liệu mới đánh dấu bước ngoặt cho các nhà thiết kế, kỹ sư, thợ cơ khí và cả người quản lý của chúng tôi,” đại diện của Kestrel Aviation – công ty Australia đầu tiên thiết kế nội thất theo yêu cầu cho một chiếc Boeing 787 VIP cho biết

Vàng, vàng và vàng

Theo David Velupilai, khác với những gì mọi người thường nghĩ, các tỷ phú thường chọn phong cách và màu sắc thiết kế khá trung lập và đơn giản – điều này giúp giữ giá khi bán lại chiếc máy bay sau này. “Khách hàng của chúng tôi thường rất bận rộn và họ coi trọng việc cuộc sống thường ngày của mình không bị gián đoạn trong quá trình di chuyển. Hầu hết các máy bay của chúng tôi thiết kế đều mang cả hai tính năng văn phòng và gia đình,” Velupilai nói.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 3

Các khách hàng VIP thường chuộng gam màu trung lập và các tính năng văn phòng hiện đại trên máy bay VIP 

Đồ nội thất trên các máy bay VIP thường không giống với những gì nó thể hiện. Tủ trông giống như được làm bằng gỗ dày, thực ra lại là vật liệu siêu nhẹ và được mạ mầu giả gỗ. Tuy nhiên, vàng thì hiếm khi giả. Trong thực tế, có những chiếc máy bay mang trong mình từ 200 đến 300 kg vàng nguyên chất, sử dụng trong các chi tiết trang trí nội thất.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 4

Các chi tiết trang trí thường được mạ vàng thật 

Bên cạnh đó, các khách hàng cũng không ngại mở túi cho những tiện ích chỉ có thể tìm thấy khi bạn… có rất nhiều tiền. Ví dụ như hệ thống chiếu sáng tân tiến và đường truyền Internet vệ tinh tốc độ cao đã trở thành một tiêu chuẩn cho mọi máy bay tư nhân. Theo Richard Gaona, công ty Comlux của ông từng lắp đặt 600 lít nước và hệ thống tạo hơi nước trên một chuyên cơ VIP, nhằm tăng độ ẩm khi máy bay di chuyển – giúp đem lại cảm giác hài lòng nhất cho hành khách.

Thị trường đặc biệt, lợi nhuận cao

Vua của siêu máy bay “độ” thuộc về phiên bản VIP của chiếc Airbus A380 khổng lồ. Còn có biệt danh là Cung điện bay A380, siêu máy bay này từng được kỳ vọng sẽ trở thành đỉnh cao khó có thể vượt qua của ngành công nghiệp máy bay tư nhân. Năm 2007, Hoàng tử Al-Waleed bin Talai của Arab Saudi đã đặt hàng một chiếc A380 VIP; tuy nhiên, đơn này bị hủy bỏ ngay trước khi công việc sửa sang lại nội thất được bắt đầu.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 5

Boeing BBJ 787 rất được các khách hàng siêu giàu ưa chuộng 

Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, các mẫu máy bay nhỏ hơn sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự ưa chuộng của giới khách hàng tinh hoa; trong đó, BBJ 787 và A350 ACJ là hai ngôi sao sáng nhất bởi khả năng bay đường dài liên tục không nghỉ.

“Đối với Boeing và Airbus, thị trường máy bay tư nhân tuy nhỏ nhưng lại có thể đem lại lợi nhuận cao, bởi vì họ không phải cung cấp giảm giá theo số lượng như khi buôn bán với các hãng hàng không thương mại. Ngoài ra, thị trường đặc biệt này còn đem lại rất nhiều cơ hội để quảng bá, do doanh thu cao sẽ nhận được sự chú ý lớn của dư luận,” Adam Twidell, CEO của Private Fly – một công ty mua bán máy bay tư nhân cho biết.

Bí mật đằng sau các “lâu đài bay” của giới siêu giàu ảnh 6

Thị trường máy bay tư nhân được kỳ vọng tăng trưởng cao ở châu Á, châu Phi và Trung Đông 

Thực tế cho thấy, lo lắng trước những phản ứng của dư luận về việc một số cá nhân tiêu xài xa hoa trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế đã khiến các khách hàng siêu giàu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ “chùn tay” trong việc vung tiền mua máy bay riêng.

“Chúng tôi hy vọng doanh thu tăng trưởng từ châu Á, châu Phi và Trung Đông”, Gaona chia sẻ. Trong thời gian tới, những chiếc lâu đài bay gây xôn xao dư luận có lẽ cũng sẽ xuất phát từ các khu vực này.

Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục