Bí lối ra gói bảo hiểm Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Dính tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, suốt 3 tháng qua, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông không có đủ công cụ để chia sẻ rủi ro trong quá trình thi công.
Chậm trễ trong triển khai đã khiến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gặp rắc rối về thời hạn bảo hiểm . Ảnh: Đức Thanh Chậm trễ trong triển khai đã khiến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gặp rắc rối về thời hạn bảo hiểm . Ảnh: Đức Thanh

Rủi ro lớn

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (TCQM) vừa có một loạt đề xuất gửi tới Bộ Giao thông -  Vận tải (GTVT) để xử lý tình trạng tình trạng “hết rơm giữa chừng” tại Hợp đồng số 05/HĐKT/BHCT - CLHĐ: bảo hiểm công trình xây dựng cho Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, theo quan điểm của TCQM, Ban quản lý dự án đường sắt (PMU Đường sắt) - chủ đầu tư Dự án cần rà soát lại hợp đồng bảo hiểm, hồ sơ mời thầu, thương thảo với nhà thầu trúng thầu Gói thầu bảo hiểm công trình là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt để kéo dài thời hạn hợp đồng trên cơ sở tiến độ thi công được cập nhật vào cuối tháng 2/2016.

Liên quan đến thời hạn bảo hiểm, theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng TCQM, việc PMU đường sắt ký hợp đồng vào ngày 28/12/2012 với thời hạn bảo hiểm tính từ khi bắt đầu thi công hạng mục đầu tiên, trong khi đó, Dự án đã được triển khai trước đó 2 năm (17/4/2010). Như vậy, việc ký hợp đồng bảo hiểm với mục tiêu đề phòng rủi ro cho các hạng mục đã được triển khai từ thời điểm bắt đầu triển khai đến thời điểm ký hợp đồng là không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, do nội dung trong hồ sơ mời thầu và biên bản thương thảo giữa các bên liên quan về thời hạn bảo hiểm là “từ lúc bắt đầu thi công đến khi toàn bộ công trình được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng” nên có có sở để PMU Đường sắt và Bảo hiểm thương thảo, kéo dài thời gian bảo hiểm.

Để hỗ trợ cho chủ đầu tư, trong trường hợp cần thiết, CTQM đồng ý thuê tư vấn luật hỗ trợ thương thảo để đảm bảo quyền lợi cho bên bảo hiểm.

Cần phải nói thêm rằng, rắc rối vẫn chưa chịu buông tha công trình tai tiếng bậc nhất Thủ đô Hà Nội - tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đến giữa tháng 9/2016, đơn vị đại diện chủ đầu tư là PMU Đường sắt vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung với Bảo Việt về thời hạn bảo hiểm cho hoạt động xây lắp.

Trong văn bản gửi chủ đầu tư vào cuối tháng 3/2016, Bảo Việt phát đi thông báo: thời hạn bảo hiểm Dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2016, cộng thêm 24 tháng bảo hiểm cho giai đoạn bảo hành công trình.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 8/2016, Dự án mới hoàn thành 80% khối lượng công việc xây lắp; 10/12 nhà ga cơ bản hoàn thành đến tầng ke ga đang lắp đặt dàn mái thép và xây dựng trang trí nội thất...

“So với tiến độ yêu cầu, một số hạng mục còn lại đang bị chậm từ 1 đến 5 tháng và tiến độ tổng thể dự án có khả năng sẽ tiếp tục bị kéo dài”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Như vậy, với việc công tác thi công các hạng mục xây lắp chỉ có thể kết thúc sớm nhất là ngày 31/12/2016, Dự án đang ở trong tình cảnh “hết rơm nửa chừng”, khi gói thầu bảo hiểm kết thúc sớm hơn mong đợi của chủ công trình.

Điều đáng nói là tình trạng không duy trì được hoạt động bảo hiểm, Dự án đang phải đối diện với những rủi ro rất lớn khi nhiều hạng mục quan trọng như hệ thống nhà ga đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Phát sinh chi phí

Được biết, theo Hợp đồng số 05/HĐKT/BHCT - CLHĐ: bảo hiểm công trình xây dựng cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được ký bởi PMU Đường sắt và Bảo Việt vào ngày 28/12/2012, tổng số tiền bảo hiểm là 4.417,8 tỷ đồng (tính trên giá trị danh mục trong tổng mức đầu tư Dự án). Với tỷ lệ phí bảo hiểm được thống nhất là 0,446% của số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm mà Bảo Việt dự kiến nhận được từ hợp đồng là 21,67 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2016, PMU Đường sắt đã chuyển cho Bảo Việt khoảng 15,1 tỷ đồng.

Theo mục 9, Điều 2, Hợp đồng số 05: thời hạn bảo hiểm được tính từ thời điểm bắt đầu thi công hạng mục đầu tiên (ngày 17/4/2010) đến khi công trình được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (dự kiến thời gian hoàn thành là ngày 31/12/2015), nhưng không vượt quá thời điểm ngày 30/6/2016, cộng thêm 24 tháng bảo hiểm cho giai đoạn bảo hành công trình.

Đại diện PMU Đường sắt cho rằng, việc hợp đồng xuất hiện cụm từ “nhưng không quá thời điểm 30/6/2016” là hoàn toàn khác biệt về bản chất và không đúng yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ dự thầu của Bảo Việt cũng như các văn bản pháp lý khác liên quan tới Dự án. PMU Đường sắt cũng cho rằng, Hợp đồng số 05 là “gói” hợp đồng bảo hiểm cho giá trị vật chất công trình hình thành trong cả quá khứ và tương lai trong suốt thời gian xây dựng công trình đến khi hoàn thành.

Tuy nhiên, theo Văn bản số 3239/BHDA - BHBV do Phó tổng giám đốc Bảo Việt Nguyễn Quang Hưng ký gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, việc quy định văn bản hợp đồng bảo hiểm có thứ tự ưu tiên pháp lý số 1 phù hợp với quy định về thành phần hợp đồng và thứ tự ưu tiên pháp lý theo Điều 47 - thành phần hợp đồng của Nghị định số 85/2009/NĐ - CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng.

Trong trường hợp các bên tiếp tục không tìm được tiếng nói chung, PMU Đường sắt có 2 sự lựa chọn: hoặc thanh lý hợp đồng, tìm một nhà thầu bảo hiểm khác, hoặc ký phụ lục gia hạn hợp đồng đến khi công trình được hoàn thành. Tuy nhiên, với việc tổng mức đầu tư vừa được điều chỉnh từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, chi phí bảo hiểm sẽ tăng lên ít nhất 30 tỷ đồng.

Hiện đơn vị môi giới bảo hiểm là Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Việt Quốc nhiều khả năng sẽ bị chấm dứt hợp đồng do không phát huy được năng lực tư vấn cho chủ đầu tư sau khi TCQM đồng ý với đề xuất này của PMU đường sắt.

“Đề nghị Bộ GTVT yêu cầu PMU Đường sắt kiểm điểm trách nhiệm đối với các bên liên quan trong việc ký kết Hợp đồng bảo hiểm số 05 vì đã để xảy ra sai khác giữa hồ sơ mời thầu, biên bản thương thảo với nội dung ký kết trong hợp đồng dẫn đến tranh chấp nêu trên”, cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT về quản lý chất lượng, hợp đồng xây dựng đề xuất.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục